Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng có một số nơi còn sợ chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Điều này làm phát sinh thủ tục hành chính, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tín hiệu tích cực về sự hồi phục kinh tế
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, với việc đẩy nhanh tiêm vaccine, nhiều quốc gia đã kiểm soát tốt dịch COVID-19; chênh lệch về triển vọng kinh tế do sự mất cân bằng lớn về vaccine, dẫn tới tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nước, các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ tụt lại phía sau.
Trong nước, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, đặc biệt là từ tháng 7 đến nay với số ca lây nhiễm, tử vong tăng cao; tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân, làm quá tải hệ thống y tế và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Nhiều địa phương thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài, các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2021 âm 6,17%. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng giảm mạnh còn 1,42%, cả năm ước chỉ khoảng 3%.
“Chủ trương trong thời gian qua là đúng đắn, các biện pháp được triển khai toàn diện và kịp thời, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh được ban hành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể”- ông Vũ Hồng Thanh kỳ vọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng ghi nhận một số điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021, như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế (9 tháng tăng 6,05%); chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của một số địa phương tăng cao (Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%...) là những tín hiệu tích cực về sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Còn tình trạng sợ chịu trách nhiệm về chống dịch
Tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại và đề nghị Chính phủ quan tâm, tháo gỡ. Trong đó có thực tế một số nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và sợ chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển và công tác phối hợp, tổ chức thực thi tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Điều này vừa không bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch, vừa phát sinh thủ tục hành chính, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng chi phí không cần thiết.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích, cân nhắc tính khả thi khi thực hiện mục tiêu GDP tăng 6-6,5% vào năm sau.
Theo Ủy ban Kinh tế, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn cao, nguy cơ tiếp tục xuất hiện những biến chủng virus mới có khả năng lây lan cao hơn, bùng phát mạnh. Do đó, cần phải nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng GDP, căn cứ diễn biến của dịch COVID-19 để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cùng các giải pháp phù hợp.
Xem thêm: odl.716569-hcid-gnohc-ev-meihn-hcart-uihc-os-noc-ion-os-tom-et-hnik-nab-yu/et-hnik/nv.gnodoal