Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 7.941 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể, trong khi có 6.109 doanh nghiệp mới được thành lập.
Sau gần 3 tháng thực hiện giãn cách chống dịch, các tỉnh ĐBSCL cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước bỏ giãn cách, doanh nghiệp tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã bắt đầu tái sản xuất kinh doanh và kinh tế dần khôi phục. Song nền kinh tế sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề nên chưa thể phục hồi trong quý IV bởi còn nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của VCCI Cần Thơ, so với mặt bằng chung cả nước, ĐBSCL đang gặp bất lợi về do các điều kiện cần chưa thể đáp ứng, trong đó tỉ lệ phủ vaccine còn thấp, dẫn đến nhiều khó khăn trong khôi phục và phát triển kinh tế.
Thống kê cho thấy, qua 3 tháng chống chọi với dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu của cả vùng trong quý III chỉ đạt 6,64 tỉ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo VCCI Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2021, Vùng ĐBSCL, có 6.109 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ bằng 34% cùng kỳ năm ngoái, chỉ đứng trên vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc.
Trong vùng ĐBSCL có 6/13 tỉnh có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2020: Hậu Giang (giảm 30%), Tiền Giang (giảm 29%), An Giang (giảm 27%), Sóc Trăng (giảm 26%), Bến Tre (giảm 24%) và Vĩnh Long (giảm 21%). Tỉnh Kiên Giang là tỉnh duy nhất trong vùng có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao (chỉ sau tỉnh Long An) và có tốc độ giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít nhất trong vùng ĐBSCL.
Tính chung trong 9 tháng 2021, vùng ĐBSCL có 7.941 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể, trong khi có 6.109 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy ĐBSCL giảm hơn 1.800 doanh nghiệp tính từ đầu năm đến nay.
Theo VCCI Cần Thơ, hiện nay vấn đề cần quan tâm lớn nhất của các tỉnh ĐBSCL đó là tiêm vaccine cho công nhân. Hiệp hội các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL cũng đề xuất các tỉnh, thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng về các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu vừa chống dịch, vừa tái sản xuất an toàn. Về phía Trung ương có chính sách đào tạo cho người lao động quay trở về địa phương.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các tỉnh, thành phố nên trao quyền tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp trong việc tự quản lý công nhân và bảo đảm an toàn sản xuất, các doanh nghiệp tự xét nghiệm nếu thấy cần thiết. Đồng thời kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm để tạo điều kiện doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Thời gian đề xuất là 3 hoặc 6 tháng và sẽ truy thu sau khi ổn định sản xuất.
Xem thêm: odl.516569-peihgn-hnaod-0081-noh-maig-lcsbd-man-uad-gnaht-9/et-hnik/nv.gnodoal