Nêu vấn đề trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn”, từ đó, ông nhìn nhận: “Chúng tôi đánh giá, đây là thời điểm chín muồi để chúng ta triển khai. Về chủ trương của Đảng, Chính phủ trong thời gian vừa qua rất ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, kết luận số 07 tháng 6/2021, của Bộ Chính trị cho phép khôi phục hoạt động kinh tế, trong đó có việc thí điểm đón khách quốc tế đến một số điểm theo hình thức hộ chiếu vắc-xin. Ngoài ra, công văn số 6345 ngày 10/9/2021 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Kiên Giang quay trở lại đón khách quốc tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả sẽ mở lại một số trung tâm du lịch khác”.
Theo chia sẻ của ông Trùng Khánh, thời điểm này chúng ta có thể mở cửa được du lịch đó là nhờ sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc bao phủ vắc-xin, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế.
Hiện nay các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ.
“Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin, để ngành du lịch có thể khôi phục lại trong thời điểm này”, ông Trùng Khánh khẳng định.
Theo đánh giá của các chuyên gia đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp đã rất kiệt quệ cần phải quay lại sản xuất kinh doanh để họ phục hồi.
Các địa phương phải thống nhất các phương án đi lại
Thông qua những buổi chia sẻ của phía doanh nghiệp du lịch về những khó khăn trong hướng đi sắp tới, phần lớn đều lo ngại về các quy định đi lại, hạn chế ra/vào giữa các địa phương là không giống nhau.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Trong thời gian qua, mặc dù có văn bản hướng dẫn, chủ trương rất cụ thể, thông thoáng của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương nhưng việc đi lại giữa các địa phương vẫn đang còn rất nhiều bất cập”.
Hiện nay có rất nhiều căn cứ quan trọng để các địa phương có thể bám sát và thực hiện như: Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành, nêu rõ không tạo ra những cát cứ địa phương, vùng miền để tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp được phục hồi.
Ngày 12/10, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch rất rõ. Việc kiểm soát, có phải xét nghiệm hay không phải phù hợp với các cấp độ dịch và cho địa phương tự đánh giá chứ không phải bắt buộc.
Đồng thời trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng chủ động, liên tiếp đưa các văn bản hướng dẫn tạm thời cho việc đi lại kể cả đường bộ, đường sắt, đường không...
Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng đã ban hành một hướng dẫn chung cho việc thích ứng, linh hoạt phòng chống dịch hiệu quả trong các hoạt động văn hóa, du lịch. Đó là một trong những căn cứ để các doanh nghiệp và địa phương mong mỏi phục hồi du lịch có thể triển khai.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng bày tỏ: “Hiện nay đúng là có xảy ra tình trạng mỗi tỉnh có một quy định khác nhau. Điều này gây khó khăn cho việc phát triển hồi phục kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
Trong du lịch không có khái niệm biên giới giữa các địa phương, trong bối cảnh hiện tại cũng chỉ có khái niệm giữa các vùng an toàn và vùng không an toàn. Dù hiện nay Chính phủ cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh nhưng nhiều tỉnh vẫn rất lo ngại”.
Với tốc độ tiêm vắc-xin như hiện tại, tại một số tỉnh thành, chúng ta có thể mở cửa du lịch tại những "vùng xanh", đón khách đã tiêm đủ liều vắc-xin, có xét nghiệm PCR âm tính - kể cả khách nội địa và quốc tế, chú trọng đến các du khách tới từ những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao.
Sản phẩm du lịch trong thời gian tới
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều mô hình du lịch để ứng phó với dịch bệnh như mô hình sandbox, mô hình bong bóng du lịch. Có thể hiểu trong lĩnh vực du lịch đây là môi trường khép kín thử nghiệm việc đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm ra môi trường xung quanh.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ rất rõ về những mô hình này: “Tôi thấy chúng ta có thể học được rất nhiều từ mô hình sandbox của Thái Lan, đặc biệt việc họ cho phép du khách ở các quốc gia "vùng xanh" có thể vào Phuket. Nếu hết 14 ngày ở Phuket, du khách còn có thể đến các vùng khác của Thái Lan. Hiện nay tôi cũng được biết, bắt đầu từ 1/11 tới đây, Thái Lan còn cho phép 15 tỉnh, bao gồm cả thành phố Bangkok mở cửa đón khách du lịch.
Trở lại với chương trình Sandbox, ở Việt Nam chúng ta đang có dự kiến áp dụng mô hình này với tỉnh Phú Quốc vào tháng 11”.
Để thích ứng với tình hình mới các doanh nghiệp đã chuẩn bị cho mình những sản phẩm riêng để chào đón sự trở lại của ngành du lịch. Tuy nhiên, người dân phải thay đổi những mong muốn đi du lịch giá rẻ, chờ những gói kích cầu giảm giá. Mà cần tham gia, đồng hành cùng các bên để du lịch khởi sắc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing Vietjet Air cho biết về những gói sản phẩm sắp tới: “Vietjet đã hướng tới chương trình rất lớn mà chúng tôi gọi là các chuyến bay an toàn, chuyến bay xanh. Tất cả gói gọn trong platform (nền tảng). Chúng ta có thể theo dõi xét nghiệm, tiêm chủng, khai báo y tế, khai báo di chuyển… nếu cần có thể truy vết nhanh chóng, lập tức.
Ngoài ra, Vietjet xây dựng sản phẩm liên quan tới sức khỏe như các gói bảo hiểm. Khách hàng du lịch nếu có rủi ro liên quan tới chi phí chữa trị thì đã có công ty bảo hiểm. Chúng tôi xây dựng gói sản phẩm trọn gói từ đầu đến cuối cho khách an toàn”.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Onsen Fuji lại có những sản phẩm thiên về chăm sóc sức khỏe tại những khu vực ven đô: “Ở thời điểm hiện tại, nghỉ dưỡng ở khu vực ven đô là một xu hướng đang phát triển mạnh.
Chúng tôi xây dựng những dịch vụ liên quan đến khoáng nóng nguyên chất để làm sao tạo ra được mô hình nghỉ dưỡng chất lượng giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng thông qua nguồn khoáng nóng nguyên chất”.
Được biết, mô hình này đã áp dụng thành công ở Nhật Bản và Đài Loan, khi người dân không cần phải di chuyển xa, dài ngày, mà vẫn có những trải nghiệm hợp lý.
Theo chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Thống kê sơ bộ về các chỉ số chính đều có sự sụt giảm. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên, tiếp đà những năm trước, chúng ta đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019.
Khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.