Đây là một trong những khuyến nghị được ông Changyong Rhee, Giám đốc Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF đưa ra nhằm giúp các nền kinh tế tại châu Á Thái Bình Dương dần hồi phục sau Covid-19.
Theo ông, trong thời gian tới, trước những rủi ro, bất định, chính phủ các nước trong trường hợp có thể, cần duy trì hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô với việc hỗ trợ có mục tiêu hơn cho người dân và các ngành dễ bị tổn thương nhất cho đến khi đạt được sự phục hồi chắc chắn hơn và đại dịch được kiểm soát.
Các chính sách tài khóa nên được thực hiện trong trung hạn để duy trì uy tín và giữ chi phí vay nợ ở mức thấp, đồng thời các ngân hàng trung ương nên sẵn sàng hành động nếu kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến hoặc khi có nguy cơ rõ ràng về kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Như với Việt Nam, ông cho biết, do không gian tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhiều, trong khi có những hạn chế về chính sách tài chính và tiền tệ, chính sách tài khóa cần đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
"Giám sát chặt chẽ các rủi ro trong hệ thống ngân hàng vẫn rất quan trọng do nợ xấu đang tăng lên. Việc hiện đại hóa các thể chế chính sách kinh tế vĩ mô và các cải cách cơ cấu mang tính quyết định là cần thiết để phát huy tối đa những tiềm năng lớn của Việt Nam", ông nói.
IMF từng dự báo, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng 3,8% (năm ngoái 2,9%) trong nhóm 5 nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông cho biết, mức dự báo triển vọng của Việt Nam có thể tiếp tục bị hạ do các đợt bùng phát dịch đang diễn ra vẫn đang có tác động xấu đến y tế và kinh tế, đặc biệt là trong quý III. Do vậy, Việt Nam phải cần có những chính sách phù hợp, tăng khả năng chống chịu cho nền kinh tế.
Ông cũng đề cập đến việc các nước cần cải cách cơ cấu và đầu tư để phát triển những động lực tăng trưởng mới, bao gồm cả trong lĩnh vực số hóa, giáo dục và tăng trưởng xanh. Điều này sẽ giúp nâng cao năng suất và đảm bảo tính công bằng hơn cho học sinh, sinh viên và người lao động đối phó với những tác động bất lợi do Covid-19 gây ra cho việc học tập và cuộc sống của họ.
Mặt khác, các nghiên cứu của IMF cũng đã chỉ ra hai vấn đề trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ và lâu dài. Thứ nhất, không một quốc gia nào có thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi tất cả quốc gia được tiếp cận vaccine rộng rãi.
"Ưu tiên hàng đầu của các nước là đối phó với cuộc khủng hoảng về y tế. Việc tiêm chủng nhanh và rộng rãi cũng như chia sẻ công bằng vaccine trên toàn cầu là rất quan trọng", ông nói.
Thứ hai, việc giảm hàng rào phi thuế quan, thường cao hơn đáng kể ở châu Á so với các khu vực khác có thể giúp thúc đẩy thịnh vượng toàn diện, bao trùm. Điều này cũng sẽ dựa trên những tiến bộ đạt được những năm trước đây thông qua các hiệp định khu vực, như CPTPP và RCEP.
Hiện khu vực châu Á Thái Bình Dương đã được IMF hạ mức dự báo tăng trưởng thêm 1 điểm phần trăm, còn 6,5% so với mức hồi tháng 4. Dù tiếp tục là nơi phát triển nhanh nhất thế giới, khu vực này vẫn đối diện với nhiều thách thức. Đơn cử là sự phân hoá giữa các nền kinh tế đã phát triển với nền kinh tế mới nổi, đang phát triển ngày càng sâu sắc. Các công ty công nghệ cao như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sơ chế như của Australia, New Zealand có thể tận dụng tối đa khi cầu bên ngoài thuận lợi và các điều kiện tài chính nới lỏng. Ngược lại, các nền kinh tế phụ thuộc du lịch như Thái Lan, hay các nền kinh tế có dư địa hạn chế để kích thích tài khoá, sẽ tụt hậu.
Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh, khu vực này dự kiến tăng trưởng 4,9% vào năm 2022, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo công bố hồi tháng 4. Tuy nhiên, sản lượng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến vẫn dưới mức xu hướng trước đại dịch trong những năm tới.
Bên cạnh đó, theo ông Changyong Rhee, lạm phát tăng lên vẫn là một mối lo ngại với nền kinh tế toàn cầu, mặc dù tốc độ tăng giá ở châu Á có phần nhẹ hơn so với các khu vực khác. Giá hàng hóa sơ chế cao hơn, chuỗi cung ứng tắc nghẽn, chi phí vận chuyển tăng đã tác động đến xuất khẩu nhiều hơn sản xuất trong nước. Nhờ vậy, tăng giá tiêu dùng trong nước đã được kiềm chế.
Do vậy, chính sách tiền tệ của các nước trong khu vực không bị thắt chặt nhiều như các nước khác trên thế giới. New Zealand là nền kinh tế đã phát triển đầu tiên thắt chặt việc mua lại tài sản công và Hàn Quốc là nước đầu tiên nâng lãi suất chính sách, trong khi đó, các nước châu Á mới nổi đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy sự phục hồi, không giống như các thị trường mới nổi khác.
Có những rủi ro làm giảm triển vọng kinh tế của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Về mặt y tế, sự bất ổn của đại dịch và hiệu quả yếu dần của vaccine chống lại các biến thể của virus là một nguy cơ. Về mặt kinh tế, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động lan tỏa tài chính tiềm ẩn từ việc Fed giảm bớt hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ là một mối lo ngại đối với khu vực. Chi phí tài chính cao hơn có thể tương tác với những điểm dễ bị tổn thương tài chính trong nước và làm chậm quá trình phục hồi hơn. Thiên tai cũng là mối đe dọa ngày càng tăng với các quốc gia có thu nhập thấp.
Đức Minh