Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị chương trình phục hồi kinh tế khả thi và hiệu quả.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điểm sáng của kinh tế - xã hội năm 2021 là nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, kiểm soát được dịch COVID-19, đồng thời ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Linh hoạt ứng phó với đợt bùng phát dịch thứ 4 và biến thể Delta, nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh sáng tạo đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả huy động được sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Đồng thời với chống dịch, nhiều chính sách được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn nhằm ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Thu ngân sách nhà nước ước vượt dự toán. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Chủ trương trong thời gian qua là đúng đắn, các biện pháp được triển khai toàn diện và kịp thời, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể".
Sáng 20/10, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Ảnh: TTXVN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo thẩm tra đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại. Công tác phòng chống dịch có nơi, có lúc còn chủ quan, lúng túng thiếu nhất quán; chính sách và các gói hỗ trợ còn khó tiếp cận. Kinh tế vĩ mô được giữ vững song tiềm ẩn nhiều yếu tố cần lưu ý. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước cũng như thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm.
Trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế xã hội, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt lao động, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh một số trọng tâm giai đoạn tới.
"Trong những tháng cuối năm 2021 tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do COVID-19. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương chuẩn bị Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả, có phân chia theo giai đoạn, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định", ông Vũ Hồng Thanh cho hay.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tới, đồng tình với những mục tiêu tổng quát theo báo cáo của chính phủ, báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời lưu ý diễn biến khó lường của dịch bệnh để có các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44482630202011202-et-hnik-ioh-cuhp-hnirt-gnouhc-ib-nauhc-gnourt-nahk/et-hnik/nv.vtv