vĐồng tin tức tài chính 365

Giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp hồi sinh

2021-10-21 06:16

Ngày 20-10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp (DN) chín tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ba tháng cuối năm với chủ đề “Đồng hành cùng DN phục hồi sản xuất - kinh doanh”.

Đề nghị giảm lãi suất cho vay

Đánh giá về việc hỗ trợ DN thời gian qua, bà Võ Xuân Bội Lâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare, chia sẻ: Khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, công ty tiếp tục được Ngân hàng Agribank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, từ mức 9% xuống còn khoảng 8%/năm. Bên cạnh đó, để giảm căng thẳng dòng tiền lưu động, công ty còn được ngân hàng hỗ trợ cho vay bổ sung 120 tỉ đồng để phục hồi sản xuất.

“Điều này đã giúp công ty trụ vững trong bốn tháng vừa qua, không rơi vào cảnh thất thoát lực lượng lao động mà còn tuyển dụng thêm nhân sự để phục hồi sản xuất hậu COVID-19” - bà Lâm nói.

Giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp hồi sinh - ảnh 1
Thời gian qua, nhiều DN đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất và cho vay mới.  Trong ảnh: Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL

Còn nhiều vốn để cho vay

Về tăng trưởng tín dụng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, thông tin: Tính chung chín tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP đạt 6,4% trong khi mục tiêu cho cả năm nay là 12%. Như vậy, trong ba tháng cuối năm, tín dụng còn có thể tăng trưởng hơn 5%, thậm chí có thể tăng thêm nếu cần.

“Do đó, NHNN Chi nhánh TP.HCM đảm bảo không để xảy ra chuyện thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Minh khẳng định. 

Tuy nhiên, bà Lâm cho rằng: Dù dịch COVID-19 đã tạm thời qua đi, song các DN vẫn gặp không ít khó khăn, dòng tiền của nhiều đơn vị gần như cạn kiệt. Chính vì vậy, bà hy vọng ngành ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay, gia hạn thêm thời hạn trả nợ.

“Bên cạnh đó, các ngân hàng cần kéo dài thời gian giảm lãi suất, bởi giảm lãi suất chỉ trong ba tháng thì không thấm vào đâu so với các khó khăn của cộng đồng DN. Đặc biệt để phục hồi sản xuất, DN đang rất cần được vay vốn với lãi suất khoảng 7%/năm là hợp lý” - tổng giám đốc USM Healthcare kiến nghị.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, cho biết trong thời qua nhiều thành viên trong hiệp hội đã được ngân hàng giảm lãi suất cho vay với biên độ 1%-1,5%/năm. Ngay như công ty của ông cũng được điều chỉnh giảm lãi suất từ 8,3%/năm xuống 6,5%/năm, kéo dài sáu tháng tính từ đầu tháng 3 vừa qua.

Thế nhưng điều đáng lo là đến thời điểm này, một số ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất cho vay trở lại vì lý do TP.HCM đã nới lỏng giãn cách xã hội. “Cụ thể là mức lãi suất ngắn hạn mà công ty của tôi vay mới từ đầu tháng 10 đã tăng thêm 1%/năm, tương đương 7,5%/năm. Trong khi đó, dù TP.HCM đã nới lỏng giãn cách nhưng thực tế các DN vẫn còn rất khó khăn” - ông Anh nói.

Khó khăn lớn nhất là ngành cao su đang bước vào chu kỳ tăng giá của nguyên vật liệu. Từ đầu năm đến giờ, nguyên vật liệu đã tăng gần 20%. “Bên cạnh đó, chi phí về tuân thủ y tế, logistics tăng 10%-20% so với thời điểm trước dịch bệnh cũng khiến cho các DN chịu áp lực nặng nề hơn về cân đối lại tình hình tài chính từ nay đến cuối năm” - ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cũng thông tin các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Vì quy mô nhỏ nên thường các ngân hàng không mấy mặn mà cho họ vay vì không có tài sản thế chấp, hoặc nếu vay được thì sẽ phải chịu lãi suất vay ở mức cao. Đó là rào cản khiến DN khó có cơ hội tiếp cận vốn vay để phục hồi, phát triển mạnh mẽ ngành nghề của mình.

Hơn 400.000 công ty sẽ được hưởng lợi

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Để triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ DN phục hồi, từ nay đến cuối năm ngành ngân hàng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu. Thứ nhất, tập trung yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện có hiệu quả Thông tư 14/2021 của NHNN nhằm cơ cấu lại nợ, không bị nhảy nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay, phí và cho vay mới. Ước tính từ cơ chế này sẽ có khoảng 1 triệu tỉ đồng bơm vào nền kinh tế với hơn 400.000 DN được hưởng lợi.

Thứ hai, tổ chức giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Theo đó, tùy vào nguồn lực của từng ngân hàng mà có DN được giảm 0,2%/năm, 0,5%/năm thậm chí được giảm 2%-2,5%/năm.

“Các tổ chức tín dụng khi đã đồng thuận với Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất thì chắc chắn buộc phải thực hiện nghiêm túc cam kết của mình. Bởi nếu phát hiện ngân hàng nào không thực hiện nghiêm túc sẽ chịu chế tài như hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế mở rộng mạng lưới” - ông Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Minh thông tin thêm: Trong điều kiện hiện nay, NHNN chưa nới lỏng điều kiện về vay vốn nhưng NHNN Chi nhánh TP.HCM đã trao đổi với các tổ chức tín dụng để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các DN bằng cách cho họ thế chấp bằng dòng tiền bán hàng. Phía ngân hàng được quản lý nguồn thu của DN để từ đó làm cơ sở thu hồi nợ và tạo điều kiện thẩm định, giải ngân vốn tín dụng cho các phương án tái sản xuất, kinh doanh.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty tài chính tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Hiện nay, vay tiêu dùng với hạn mức 20-50 triệu đồng thì có khá nhiều người được vay nhưng lãi suất còn khá cao” - ông Minh thông tin.

Không để doanh nghiệp thiếu vốn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị NHNN Chi nhánh TP.HCM tiếp tục chỉ đạo sát sao các ngân hàng thương mại triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ DN; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Các sở, ngành; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải chủ động nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của DN để hỗ trợ tháo gỡ, đặc biệt là khó khăn về vốn. Mục tiêu là không để DN nào đủ điều kiện vay vốn mà không thể tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh” - bà Thắng yêu cầu.

Kết nối gói hỗ trợ 70.000 tỉ đồng

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay nhằm chia sẻ với những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, TP.HCM sẽ tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và DN với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỉ đồng trong quý IV năm nay.

Ngay tại hội nghị, 64 DN đã ký kết với 13 ngân hàng để triển khai gói hỗ trợ tín dụng này, với dư nợ được hỗ trợ là 15.530 tỉ đồng. Lãi suất áp dụng tối đa cho gói này không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và quanh ngưỡng 9%/năm đối với cho vay trung - dài hạn. 

Xem thêm: lmth.5592201-hnis-ioh-peihgn-hnaod-ed-yav-ohc-taus-ial-maig/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags: vay

“Giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp hồi sinh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools