Tác phẩm "Sự ra đời của thần Vệ Nữ" của họa sĩ Sandro Botticelli - Ảnh: Wikipedia
OnlyFans, mạng xã hội dành cho người lớn xuất hiện vào năm 2016 và có trụ sở ở thành phố London (Anh), nhanh chóng trở thành nền tảng nổi tiếng vì chứa các nội dung "người lớn".
Hiện nay các bảo tàng hàng đầu ở thủ đô Vienna (Áo) đang sử dụng OnlyFans để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật khỏa thân. Tuy nhiên, bất kỳ ai sử dụng Internet đều có thể dễ dàng tìm thấy các bức tranh khỏa thân trên trang web của bảo tàng hoặc các trang web khác.
Các bảo tàng ở Vienna trưng bày nhiều ảnh khoả thân, đặc biệt là bảo tàng Leopold - nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật của Egon Schiele và Gustav Klimt, hai họa sĩ nổi tiếng thế giới về tranh khỏa thân.
Nhiều bảo tàng nghệ thuật ở Áo dùng mạng xã hội Only Fans là do các trang mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, Tumblr, TikTok... hạn chế hoặc cấm đăng ảnh khoả thân.
Chẳng hạn, bảo tàng Albertina đã bị khóa tài khoản TikTok vì đăng tải một bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Nhật Araki nổi tiếng về chụp ảnh khỏa thân.
Tranh "Mẹ và con" của họa sĩ Gustav Klimt - Ảnh: PASSION ESTAMPES
Tuy nhiên, trong một nỗ lực tiếp cận với công chúng thưởng lãm, một số bảo tàng lớn sử dụng mạng TikTok để quảng bá nhằm tiếp cận với giới trẻ. Bảo tàng Metropolitan ở New York thậm chí còn hợp tác với TikTok.
Những nỗ lực của các bảo tàng trong việc quảng bá văn hóa hàn lâm thông qua những hoạt động văn hóa bình dân dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Bảo tàng nghệ thuật Uffizi nổi tiếng thế giới, nằm trong Trung tâm lịch sử Florence ở vùng Tuscany (Ý), đã kết hợp hình ảnh bức tranh của họa sĩ Botticelli nổi tiếng của Ý với một bản nhạc rap đầy ngôn từ tục tĩu trong một video trên TikTok.
Cách "tiếp thị" của bảo tàng Uffizi lợi bất cập hại. Quảng bá văn hóa kiểu này vô hình trung khuyến khích những người ít đến bảo tàng, thưởng thức văn hóa theo kiểu "thức ăn nhanh" hơn là dành thời gian để tìm hiểu nghệ thuật đích thực.
Đồng thời, nó cũng làm giới trẻ hiểu lầm rằng bảo tàng là nơi vui chơi, ồn ào - điều này ngược lại với không khí đậm tính nghiên cứu của nơi đây.
Facebook đã kiểm duyệt những ảnh khiêu dâm. Nhưng thuật toán của Facebook đã không đủ thông minh để phân biệt giữa ảnh khiêu dâm với tranh hay điêu khắc khỏa thân nghệ thuật, qua đó cũng làm hạn chế sức phổ biến của nghệ thuật.
Ở Indonesia đã lập ra một viện bảo tàng được làm hoàn toàn bằng nhựa để thuyết phục mọi người suy nghĩ lại về thói quen của họ và từ bỏ các loại đồ nhựa dùng một lần.