Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đề xuất cần có cơ chế để y tế tư nhân tham gia vào việc tiêm vắc xin dịch vụ, chữa COVID-19 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại buổi thảo luận ở tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 21-10, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho biết dịch bệnh đã để lại cho ngành y nhiều bài học, trong đó cần có những chính sách tốt hơn, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực này.
Dẫn số liệu hậu quả của dịch bệnh, bà Lan nhận định dịch COVID-19 nguy hiểm nhất là khi trở nặng, cấp cứu không kịp thời dẫn đến tử vong.
Theo bà Lan, điều này thể hiện vai trò của Chính phủ, của Bộ Y tế trong vấn đề chủ động vắc xin. "Tại sao không mua vắc xin, không thương lượng đúng thời điểm, kịp thời, sớm hơn?", bà Lan đặt câu hỏi.
Nhắc lại thời điểm đầu năm 2020, Chính phủ, Bộ Y tế đã đặt vấn đề mua vắc xin, song bà Lan cho hay khi "đụng" đến thực tế khó khăn về thủ tục, cơ chế, không tương thích, nhất là khi đây là mặt hàng đang nghiên cứu, chưa phải là sản phẩm thì "chúng ta buông".
"Thực sự mà nói, bây giờ chúng ta cố gắng mua nhưng mà không kịp, đã chậm rồi, chậm chứ không phải không, bây giờ chích được là nhờ công ty mua về nhượng lại phi lợi nhuận, nguồn viện trợ", bà Lan nói.
Đại biểu TP.HCM phân tích cần phải nhìn nhận vì sao tư nhân đi đặt được, theo đến cùng để có vắc xin để bây giờ sử dụng cho nhân dân, trong khi về phía Nhà nước lại chưa quyết liệt.
"Chúng ta không thể ngủ im trên thành tích ban đầu là đã khoanh vùng dập dịch, số ca khống chế được thấp hơn so với thế giới, để sau đó nó triệt tiêu. Đối với một căn bệnh nhiễm, rõ ràng vắc xin là chìa khóa. Vấn đề là chúng ta chưa đủ quyết liệt, không có kết quả, như vậy vướng về cơ chế", bà Lan phân tích.
Do đó, đại biểu TP.HCM đặt vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế, nhất là chính sách tiêm vắc xin dịch vụ, cơ chế để khám chữa COVID-19 ngoài công lập.
Theo bà Lan, hiện nay Nhà nước, ngân sách lo hết, song về lâu dài sẽ khó lo nổi. Bà Lan đề xuất cho phép tiêm dịch vụ, phát huy tính năng động của các doanh nghiệp, tìm được vắc xin kịp thời.
Đánh giá về thực tế việc tiêm chủng hiện nay, bà Lan nhận định quỹ vắc xin do doanh nghiệp đóng góp, mong muốn ưu tiên cho nhân viên của doanh nghiệp, chừng mực nào đó cũng là dịch vụ, trong khi Nhà nước bao cấp cũng là đóng góp từ tiền thuế của dân. Vì vậy, cần có cơ chế để phát huy sức mạnh của y tế tư nhân.
Cần gói hỗ trợ cho người lao động, người đã mắc COVID-19
Tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế và các chính sách hỗ trợ người dân...
Trong đó, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - đề xuất Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động.
Bà Thúy phân tích TP.HCM có 4 triệu lao động, riêng lao động không giao kết hợp đồng lao động chiếm phân nửa, do đó nếu doanh nghiệp không gượng dậy thì lao động mất việc, hệ lụy xã hội lớn. Do đó, bà Thúy cho rằng cần có các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Cụ thể, bà Thúy đề xuất Chính phủ ra chủ trương về gói vay không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất cho những người khó khăn, đồng thời hỗ trợ các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến năm 2022 để người lao động yên tâm.
Còn đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề xuất sự hỗ trợ cho những người đã mắc COVID-19 và gia đình của những người đã mất vì COVID-19.
TTO - Ngày 22-10 tới, 21 tỉnh thành khu vực phía Nam cho kinh doanh xổ số trở lại. Các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) làm gì để bảo vệ sức khỏe người mua và người bán vé số?