Đây là một trong ba dự án được Thủ tướng cho bổ sung vào quy hoạch hồi tháng 7 năm ngoái. Nhà đầu tư gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Quản lý xây dựng Nhật Bản, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Kết nối Việt.
Dự án có vị trí thuộc 3 xã: Hồng Tiến (huyện Khoái Châu), Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ) và Xuân Trúc (huyện Ân Thi). Quy mô dự án là 159,71 ha với tổng vốn đầu tư gần 2.310 tỷ đồng (tương đương 99,3 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 392,7 tỷ đồng, tương đương 16,9 triệu USD.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Phó thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện đầu tư, kinh doanh bất động sản công nghiệp. Các nhà đầu tư tham gia phải góp đủ vốn và đúng thời hạn để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ triển khai. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải ký quỹ để thực hiện dự án và nộp một khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai, nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhà đầu tư phải báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.
Tỉnh Hưng Yên phối hợp với nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh phải thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội...cho người lao động; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân...
Đức Minh