Tập thể dục là cách thể hiện bản thân tích cực, thay vì "phì phèo với khói thuốc" - Ảnh: Q.ĐỊNH
Mới đây, ngày 14-10, khi báo cáo kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá với Hội đồng Khoa học nghiệm thu Bộ Y tế, Trường đại học Y tế công cộng và Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết so với năm 2015, tỉ lệ hút thuốc lá giảm từ 22,5% xuống 21,7%, song đáng chú ý là tỉ lệ phụ nữ hút thuốc lá gia tăng.
Cẩn trọng với thuốc lá điện tử
Kết quả khảo sát của cuộc điều tra ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy có hơn 42% nam giới hút thuốc lá, giảm khoảng 3% so với năm 2015. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá tăng 0,6%, từ 1,1% lên 1,7%. Như vậy, tỉ lệ phụ nữ hút thuốc lá đang gia tăng so với trước và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Theo kết quả điều tra năm 2020 của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy tỉ lệ trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, trong khi tỉ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,7%.
Thực trạng có thể thấy: từ thuốc lá điếu truyền thống đến các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đang được bán tràn lan khắp nơi và nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là nữ giới.
Nhiều chiêu thức quảng cáo tinh vi gây hiểu lầm đây là sản phẩm an toàn cho sức khỏe không như thuốc lá điếu, làm gia tăng tỉ lệ sử dụng sản phẩm. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok không khó để tìm mua một sản phẩm thuốc lá, thậm chí người bán hàng lại chính là nữ giới với hình ảnh "phì phà" khói thuốc "test chào hàng".
Nhiều trang YouTube còn công khai sản xuất hàng loạt video dạy trẻ em cách "nhả khói" tạo "trend", từ đó quảng cáo bán thuốc lá trá hình.
Hàng chục nhóm kín trên Facebook được các "con buôn" tạo ra để trao đổi buôn bán thuốc lá, có nhóm thu hút hơn 250.000 thành viên và quảng cáo bán đủ loại thuốc, giao hàng nhanh trên địa bàn TP. Nguy hiểm còn ẩn sau câu "Thuốc lá hại sức khỏe nhưng tốt cho tâm trạng" - một trong những lời chia sẻ nhiều tương tác nhất ở mỗi bài đăng.
Hiện nay, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, giá thuốc lá rẻ, thuốc lá được bán tràn lan trên khắp các diễn đàn mạng làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên, dẫn đến các hệ lụy lâu dài.
Tác hại khôn lường
PGS Nguyễn Hữu Đức (Trường đại học Y dược TP.HCM) cho biết trong khói thuốc lá có chứa hàng trăm chất độc, trong đó có CO (carbon oxid, là khí rất độc gây chết người với lượng rất nhỏ), các chất gây ung thư (có nhóm benzopyren gây ung thư phổi, da, bàng quang). Theo PGS Đức, nếu thuốc lá độc hại với nam bao nhiêu thì sẽ độc hại gấp bội lần với nữ giới bấy nhiêu.
"Hút thuốc lá có thể gây vô sinh ở phụ nữ, đồng thời gây các dị tật bẩm sinh cho thai nhi nếu người mẹ hút thuốc lá nhiều. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non", ông Đức chia sẻ.
Phụ nữ hút thuốc gây mất khả năng thụ thai khoảng 30%, sinh non tăng 20%, mang thai ngoài tử cung tăng từ 2 - 4 lần và sẩy thai tăng lên 1,5 - 3 lần. Nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy có thể gây ra sự biến đổi gene dẫn đến tình trạng thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, ung thư và nhiều mối lo ngại cho sức khỏe của trẻ trong tương lai.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh vảy nến nếu người mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai. Nguyên nhân do thai nhi đã tiếp xúc với nicotine, chất kích thích quá trình sinh học liên quan đến bệnh vảy nến.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây nhiều biến chứng đến phổi. Gần 97% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta tiền sử có hút thuốc lá. Ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt chết liên quan đến thuốc lá - nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Người hút thuốc lá dễ mắc COVID-19 hơn
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người hút thuốc lá dễ bị mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần so với người không hút cũng như làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn.
"Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà mọi người có thể làm cho sức khỏe của chính mình và người thân, đặc biệt trong thời điểm đại dịch như hiện nay" - PGS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, chia sẻ.
Ảnh hưởng về sau
Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - giảng viên bộ môn giáo dục sức khỏe, tâm lý y học Trường đại học Y dược TP.HCM, trước đây với nhiều định kiến giới, xã hội khó chấp nhận hình ảnh người phụ nữ hút thuốc lá; hiện nay vấn đề đó cởi mở hơn, nhiều phụ nữ sử dụng thuốc lá.
Tuy nhiên đó không phải phần nhiều, đa số phụ nữ sử dụng thuốc lá do nó mang đến cho họ cảm giác dễ chịu, vì chính bản thân họ nhiều hơn là việc muốn thể hiện ra ngoài xã hội. Việc giảm stress bằng thuốc lá là không nên, vì ẩn sau nó là nhiều tác hại đến sức khỏe khó lường.
TTO - 'Cam kết bỏ thuốc lá' là khẩu hiệu của Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay. Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, người hút thuốc lá nếu mắc COVID-19 bệnh sẽ nặng hơn và dễ tử vong hơn.