Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg về bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Như vậy, mức trần chi trả bảo hiểm tiền gửi đã tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TT (75 triệu đồng).
Quyết định của Thủ tướng cũng quy định, đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì hạn mức chi trả thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TT. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2021 và thay thế Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg.
Tại Việt Nam, hệ thống Bảo hiểm tiền gửi được thành lập từ năm 1999 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 với hạn mức chi trả tối đa ban đầu là 30 triệu đồng. Đến năm 2005, hạn mức chi trả tối đa được nâng lên mức 50 triệu đồng. Kể từ ngày 5/8/2017, hạn mức này lần nữa lại được nâng lên 75 triệu đồng.
Thời điểm đó, trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về lý do đưa ra hạn mức 75 triệu đồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số này là: Năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; quy mô tiền gửi; thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể, theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90 - 95% người gửi tiền). Tuy nhiên, phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).
“Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tính toán tại tháng 6/2016). Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế”, Thống đốc nói thời điểm đó.
Việc nâng hạn mức tiền gửi lên 125 triệu đồng chứng tỏ năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong 4 năm qua. Theo quy định, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Mặc dù vậy, quan điểm của Chính phủ là bảo vệ tối đa lợi ích người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát./.
Xem thêm: lmth.67570000042210202-rt521-ad-iot-art-ihc-coud-neit-iug-iougn-nas-ahp-gnah-nagn/nv.semitaer