Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế TP.HCM ngày 22-10 - Ảnh: X.M.
Ngày 22-10, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn - đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các trung tâm hồi sức đến cuối năm.
Không rút quân đồng loạt
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong thời gian chống dịch vừa qua, TP.HCM đã nhận hỗ trợ rất lớn từ trung ương đến cơ sở y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Sau khi hoàn thành công tác này, các bệnh viện hồi sức tích cực COVID-19, các bệnh viện dã chiến, thu dung.. sẽ dần rút quân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc rút quân này phải thực hiện theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất, có kế hoạch giao - nhận rõ ràng giữa đơn vị bàn giao và đơn vị tiếp nhận, đặc biệt là giữa các trung tâm hồi sức tích cực với các bệnh viện trên địa bàn TP.
Thứ hai, ngày 15-10 không phải là thời gian rút quân tuyệt đối. Thời gian tới, khi TP.HCM có yêu cầu thì lực lượng y tế tuyến trưng ương vẫn tiếp tục hỗ trợ. Hiện lực lượng quân đội ở Bệnh viện 5G và các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đang tiếp tục làm việc.
Thứ 3, tất cả những trang thiết bị, vật tư y tế... của 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế đã mang đến hỗ trợ TP thì mang về khi rời khỏi; nhưng nếu nhận hỗ trợ từ TP hay tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức hì phải bàn giao lại TP để tiếp tục phục vụ điều trị người bệnh.
"Rút lui có kế hoạch, có chuyển giao; có người đi, người nhận rõ ràng. Không để thiếu hụt trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác điều trị cho người bệnh TP.HCM" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, TP.HCM cũng cần tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp với tình hình mới, việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở, phát hiện dịch, xử lý, khoanh vùng... vẫn phải thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
"Mặc dù TP đang giai đoạn là bình thường mới nhưng số ca mắc còn cao. Các cơ sở điều trị dù có số lượng bệnh nhân giảm nhưng cần tái cơ cấu bệnh viện dã chiến và tăng cường điều trị F0 tại nhà" - Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Trung ương Huế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng
Báo cáo Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết đến nay TP đã chuyển giao Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức lần lượt cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Đại học Y dược TP.
Còn Bệnh viện Trung ương Huế tại Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 14 (quận Tân Phú) dự kiến sẽ rút quân vào cuối năm nay.
Để đáp ứng tình hình mới, ông Thượng cho biết sở đã xây dựng bệnh viện dã chiến 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 từ trung bình, nặng và nguy kịch; do các bác sĩ tại các bệnh viện luân phiên hỗ trợ. Sở kỳ vọng với bệnh viện này số ca hồi sức sẽ giảm và bệnh nhân không cần phải chuyển viện.
"Xác định không thể nào bệnh viện sạch COVID-19, sắp tới, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn TP phải thành lập khoa COVID-19" - ông Thượng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng người dân cần xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng phải an toàn và hiệu quả. Các tỉnh, thành phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đáp ứng tình hình dịch COVID-19 cao nhất.
"Không phải bệnh viện không COVID-19 mà phải chủ động đón tiếp bệnh nhân, phân luồng cách ly. Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng phù hợp với quan điểm y tế" - ông Khuê nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đồng ý xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng theo đề xuất Sở Y tế TP.HCM. Ông cũng đề nghị tất cả các cơ sở y tế phải bố trí vị trí, địa điểm phù hợp để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 vì vẫn còn bệnh nhân COVID-19 đi khám bệnh.
TTO - TP.HCM sẽ tổ chức tiêm vắc xin cho người dân từ các địa phương trở lại TP học tập, làm việc và sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi ngay khi Bộ Y tế phê duyệt vắc xin.