Lượng heo tồn trong nước hiện lên tới 8 triệu con, giá heo hơi rớt thê thảm chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Trong khi đó, lượng thịt heo và các loại thịt khác nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng rất mạnh.
Heo nội rẻ bèo, heo ngoại nhập thả cửa
Những ngày này, người chăn nuôi heo ở thủ phủ miền Đông Nam bộ đang đối diện với bức tranh không mấy sáng sủa. Ông Quang, chủ một trại heo ở Đồng Nai, cho biết: Hiếm có trang trại nào bán được giá heo hơi loại 1 (dưới 120 kg) với giá 40.000 đồng/kg. Heo loại 2 (dưới 130 kg/con) có giá bán chỉ còn trên dưới 35.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trên bờ vực phá sản vì giá heo hơi giảm sốc trong nhiều tuần qua, trong khi giá heo bán lẻ vẫn còn cao. Trong ảnh: Người dân mua thịt heo trong siêu thị. Ảnh: QH
Đáng nói, nhiều trại có lượng heo tồn ứ quá lâu không bán được nên trọng lượng heo lớn trên dưới 140 kg/con, giá bán chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg. Giá heo giảm sốc trong khi giá thành chăn nuôi hiện rất cao, trên 50.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người nuôi đang lỗ với mức khoảng 10.000-20.000 đồng/kg.
“Giá heo hơi rẻ như rau mà vẫn ít thương lái hỏi mua. Bởi lẽ, dù TP.HCM mở cửa trở lại nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn rất thấp so với trước dịch. Các trường học, nhà hàng vẫn đóng, quán ăn tiêu thụ ít nên lượng thịt tiêu thụ giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, các loại thịt nhập khẩu, đặc biệt là thịt heo vẫn tăng mạnh, cạnh tranh rất lớn nên giá heo hơi càng giảm sâu” - ông Quang giải thích.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: Hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với thời điểm trước dịch, đẩy giá thành nuôi heo tăng cao. Mặt khác, người nuôi heo phải mua con giống khoảng 2,5 triệu đồng/con, cộng với chi phí thức ăn khoảng 3,5 triệu đồng, thêm chi phí thuốc, chăm sóc… thì giá thành hơn 6 triệu đồng/con heo. Với giá bán chỉ 30.000-40.0000 đồng/kg heo hơi, mỗi con heo xuất chuồng người nuôi lỗ 2-3 triệu đồng. Thêm vào đó, giãn cách xã hội kéo dài khiến thu nhập của người dân bị giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến họ thắt chặt chi tiêu, giảm mua thịt heo.
Không chỉ giá thê thảm mà hiện nay, cả nước đang khủng hoảng thừa khoảng 8 triệu con heo, trong khi lượng thịt heo nhập khẩu về vẫn tăng mạnh mỗi tháng. “Sắp tới có khoảng 250.000 tấn thịt được cấp phép nhập khẩu về, tính ra tương đương khoảng 4 triệu con heo sống nữa thì giá heo trong nước không thể ngóc đầu lên được. Nếu tiếp tục nhập khẩu kiểu này thì chăn nuôi trong nước chỉ có chết vì thua lỗ” - ông Đoán lo lắng.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh giá heo hơi đã giảm ở mức sâu, quanh mốc 30.000-40.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ thịt heo tại chợ, siêu thị vẫn ở mức cao trên 100.000 đồng/kg là bất hợp lý. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ, doanh nghiệp lại cho rằng mức giá bán lẻ hiện nay đã giảm so với trước.
Cần hàng rào kỹ thuật với heo nhập khẩu
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: Hiện nay, việc nhập khẩu thịt đông lạnh từ các nước đều không có hạn ngạch nhập khẩu (quota), tức các doanh nghiệp có thể tự do nhập. Nguyên nhân nhập khẩu thịt tăng mạnh là do từ thời điểm năm 2020, nguồn cung giảm do dịch tả heo châu Phi khiến giá heo tăng cao nên phải nhập nhiều để thay thế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các nhà máy giết mổ heo sống đóng cửa, thị trường phụ thuộc vào lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng hiện nay nguồn cung trong nước đang dư thừa nên Bộ Công Thương cần có chính sách phù hợp và điều tiết số lượng thịt heo lẫn các loại thịt khác nhập khẩu về Việt Nam. “Việc nhập khẩu thịt hiện không có quota, do vậy để hạn chế lượng thịt nhập, các cơ quan quản lý cần có hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ đối với mặt hàng này như dư lượng kháng sinh, tồn dư chất cấm…” - ông Trọng nói.
Ngoài ra, theo phân tích của ông Trọng, giá thành chăn nuôi Việt Nam vẫn rất cao do giá thức ăn chăn nuôi cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Vì vậy, để chăn nuôi bền vững, tránh thua lỗ thì nên nuôi theo chuỗi liên kết. Như vậy chăn nuôi heo mới giảm được nhiều chi phí, tận dụng được nguồn thức ăn từ nguyên liệu trong nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng để ngành chăn nuôi heo trong nước không bị heo nhập khẩu “hạ đo ván” thì cơ quan quản lý xem xét cấp quota cho thịt nhập khẩu. “Hạn chế thịt nhập khẩu một cách hợp lý là biện pháp cần làm trong bối cảnh heo trong nước khủng hoảng dư thừa, nhu cầu tiêu thụ giảm” - ông Đoán nhấn mạnh.•
Kiến nghị Thủ tướng kiểm soát heo nhập Theo Bộ NN&PTNT, trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 125.600 tấn thịt heo, chủ yếu từ các thị trường Nga, Đức, Ba Lan… Lượng nhập khẩu thịt heo đông lạnh tiếp tục tăng nhanh do các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Brazil... dư thừa sản lượng, giá thành rẻ. Do thịt ngoại nhập tràn vào nhiều, mới đây Hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. |
Phải thanh, kiểm tra chênh lệch giữa giá heo hơi và giá heo thành phẩm Trong bối cảnh giá heo hơi đang giảm sốc, người chăn nuôi thua lỗ, chiều 22-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn giải pháp tháo gỡ. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định giá thịt heo thành phẩm chưa giảm tương xứng với giá heo hơi. Giá thịt heo thành phẩm phổ biến ở mức 60.000-100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000-130.000 đồng/kg tại siêu thị. “Trong cơ cấu giá thịt heo, trung bình 100 kg heo hơi thu được khoảng 55-60 kg thịt heo thành phẩm. Như vậy, tỉ trọng giá heo hơi chỉ chiếm 55%-60% trong giá heo thịt, các chi phí khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng (chi phí lao động, xét nghiệm, vận tải...). Do đó, giá thịt heo thành phẩm không giảm tương ứng như mức giảm của giá heo hơi” - ông Hải phân tích. Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá mức chênh lệch giữa giá heo hơi xuất chuồng và giá heo thành phẩm đến người tiêu dùng là bất hợp lý. “Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết bởi ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan nhà nước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, Phó Thủ tướng cho biết: Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá; đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính khi bà con đang có lượng heo tồn đọng lớn chưa xuất bán được, khó khăn về nguồn vốn. Ông cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị; thanh tra, kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt heo hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có; đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. “Bộ GTVT rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng một số nơi “cát cứ”, gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với bà con); phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |