Thực trạng đáng buồn về giải trẻ nhưng sử dụng cầu thủ quá tuổi, một lần nữa được cảnh tỉnh khi vòng loại U-23 châu Á sắp diễn ra.
Đội trưởng Paulo Gali của Đông Timor “trẻ mãi không già” ở nhiều giải trẻ
khu vực và tiếp tục trở thành đề tài gây tranh cãi tại vòng loại U-23 châu Á
sắp khởi tranh. Ảnh: SING
Mặc dù LĐBĐ châu Á (AFC) và các liên đoàn thành viên đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận tuổi nhưng tình trạng này được báo động là vẫn còn phổ biến tại những giải đấu trẻ. Hành vi của một số quốc gia được tờ The Strais Times gọi là “sự thiếu trách nhiệm đang giết chết sự tiến bộ của bóng đá châu Á”.
Điển hình là trường hợp cầu thủ Paulo Gali, của Đông Timor là minh chứng đáng thất vọng của bóng đá châu Á. Báo chí Singapore đã chỉ ra Gali từng bị cáo buộc quá tuổi khi cầu thủ này được đăng ký tham dự các giải trẻ trước đây và vẫn mang hình hài “cải lão hoàn đồng” tiếp tục thi đấu những giải trẻ tiếp theo. Đó là tại AFF Cup 2018, Paulo Gali được Timor Leste đăng ký độ tuổi U-22 và một năm sau, anh tiếp tục tranh tài giải vô địch Đông Nam Á lứa tuổi U-15 với tuổi mới là… 14 tuổi.
Vụ việc trên từng vấp phải sự phản đối từ các đoàn Myanmar, Singapore. Tuy nhiên, hành vi gian lận tuổi của Gali tại giải U-15 đã bị LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) bỏ qua, dù đã có đủ những tài liệu lẫn báo cáo y tế về độ tuổi của Gali.
Năm 2021, Paulo Gali một lần nữa được Đông Timor đăng ký tham dự vòng loại U-23 châu Á và Singapore (đội cùng bảng đấu với Đông Timor) đang rất tức giận vì hành vi gian dối trên. Họ đã đưa vấn đề này lên và chờ hành động thiết thực hơn từ AFC sau khi AFF đã bỏ qua.
Những năm gần đây, nhiều quốc gia từng buộc tội đội Đông Timor sử dụng các cầu thủ quá tuổi tại SEA Games nhưng mọi cáo buộc vẫn không được làm đến nơi đến chốn.
Cũng cần biết năm 2019, Paulo Gali từng bị tố sở hữu hai căn cước đủ để giúp anh đủ điều kiện tham gia các giải đấu trẻ. Cùng bị cáo buộc thao túng, gian lận trong tuổi tác đá những giải trẻ khu vực còn có các đội Myanmar và Lào.
Trong lịch sử giải trẻ, tại vòng loại U-22 châu Á 2012, các cầu thủ Myanmar bị tố ăn gian tuổi có đội trưởng Kyaw Zayar Win, Kyi Lin và Kaung Si Thu. Những cầu thủ đã giúp Myanmar giành chiến thắng 2-1 trước Malaysia, qua đó đoạt một suất tham dự vòng chung kết.
Năm 2019, cựu HLV đội trẻ Malaysia Maniam tố cáo đội Lào nằm trong số nhiều đội đã làm giả giấy tờ của các cầu thủ, giúp họ đủ điều kiện tham dự giải U-15 Đông Nam Á.
Những phương thức phát hiện tuổi thật được xem xét sự phát triển của tuổi xương, tế bào bạch cầu, nhiễm sắc thể, kiểm tra các phân tử khác nhau trong máu... được xem là những cách để xác minh tuổi thực của cầu thủ.
Năm 2009, MRI được FIFA chọn là phương pháp xét nghiệm hiệu quả nhất nhưng vấn đề kinh phí đã khiến nhiều quốc gia không đủ khả năng để sử dụng MRI một cách toàn diện.
Quả bóng tại vòng loại U-23 châu Á chưa lăn nhưng ồn ào quanh nạn gian lận tuổi làm giảm đi rất nhiều về tính chất chuyên môn lẫn vai trò của AFC trong việc chống gian lận tuổi.•
Đông Nam Á bị “chiếu tướng” Ở Đông Nam Á, gian lận tuổi đã trở thành một vấn nạn thường xuyên tại các giải đấu các nhóm tuổi nhưng AFF chưa đủ mạnh tay để loại trừ vấn nạn. Trong khi “cấp trên” của AFF là AFC đã có những hành động nghiêm khắc nhưng vẫn chưa thể đưa nạn gian lận tuổi, đặc biệt ở Đông Nam Á đi vào trật tự. Cũng cần biết khu vực Đông Nam Á từng có 16 cầu thủ bị AFC cấm thi đấu vào năm 2000 và tám cầu thủ khác bị cấm thi đấu ở giải vô địch U-16 châu Á năm 2010 vì gian lận tuổi tác. MQ |