Elon Musk làm việc không ngừng nghỉ!
Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, Elon Musk, đã làm việc không ngừng trong khoảng thời gian rất dài. Gần đây, anh chia sẻ với tờ New York Times rằng, anh đã làm việc trong suốt 120 giờ mỗi tuần và chưa từng nghỉ ngơi trong vòng quá một tuần, kể từ năm 2001. Tuy nhiên, anh cũng chỉ miễn cưỡng chấp nhận kỳ nghỉ bất đắc dĩ này vì mắc căn bệnh sốt rét mà thôi!
Elon Musk nói rằng: "Có những lần tôi không rời nhà máy trong vòng 3 hoặc 4 ngày. Điều này thực sự phải trả giá bằng việc, tôi không có thời gian để gặp gỡ bạn bè và không thể chăm sóc những đứa con của tôi". Musk thậm chí đã phải dành toàn bộ ngày sinh nhật gần nhất của mình để làm việc tại nhà máy, ở đó "Cả đêm", không có bạn bè và cũng chẳng có tiệc chúc mừng. Tất cả thời gian đều dành cho công việc.
Elon Musk cũng chưa phải là người sếp "tham công tiếc việc" duy nhất.
Marissa Mayer, hiện đang làm việc tại công ty Google chia sẻ, có đôi khi cô đã làm việc trong suốt 130 giờ mỗi tuần. Cô đã phải xây dựng nên một "chiến lược" về lịch sinh hoạt và làm việc cho bản thân, ví dụ như về thời gian ngủ, tắm và đi vệ sinh...để thích ứng với yêu cầu của công việc.
CEO của Apple, Tim Cook, thường xuyên gửi email cho nhân viên của mình từ 4:30 sáng. Ông cũng thường là người đầu tiên đến văn phòng và là người cuối cùng ra về.
Thông thường, Giám đốc điều hành sẽ là người xây dựng văn hóa làm việc của một công ty. Họ có sức ảnh hưởng khá lớn đối với toàn thể nhân viên, và chính vì thế, một ông chủ "tham công tiếc việc" có thể gây ra nhiều áp lực khiến nhân viên của họ vô cùng căng thẳng.
Ví dụ, Bloomberg đã báo cáo rằng, một số nhân viên của Tesla đã phải làm việc quá nhiều đến mức, họ dường như biến thành những con "zombie công việc", hoạt động liên tục với những ánh mắt vô hồn. Musk cũng từng thừa nhận với tờ nhật báo Guardian rằng, nhân viên của anh đã phải làm việc trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Tuy vậy, Musk cũng nhấn mạnh rằng, anh rất quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của họ. Tesla nói rằng, họ đã cải thiện sự an toàn lao động theo nhiều cách và luôn nghiên cứu, đổi mới để biến công ty trở thành một nơi làm việc lý tưởng hơn, công bằng và vui vẻ hơn.
Các chuyên gia đã xác nhận rằng, làm việc cho một ông chủ "tham công tiếc việc" có thể gây tổn hại rất nhiều cho nhân viên. Nhà tâm lý học Elizabeth Lombardo chia sẻ: "Làm việc cho một người nghiện công việc có thể làm tăng mức độ căng thẳng của bạn. Tình trạng này dễ đến trầm cảm, lo lắng và các hành vi tiêu cực như ăn quá nhiều, uống quá nhiều và bị mất ngủ. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến thái độ của bạn đối với những người xung quanh". Nhà tâm lý học, Crystal Lee, cũng lưu ý rằng, làm việc cho một người nghiện công việc có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, phải vật lộn với chứng mất ngủ và bị ốm đau thường xuyên hơn, do hệ thống miễn dịch của bạn bị tổn hại nặng nề.
Tuy vậy, những người nghiện công việc cũng có những ưu điểm riêng của họ. Họ cũng có thể là những nhà lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng tốt. Ví dụ, nhiều nhân viên của Tesla lại thích dành nhiều thời gian để làm việc cùng Musk, vì họ cảm thấy anh là một người có tầm nhìn lớn, có thể giúp họ phát triển nghề nghiệp và tạo ra được nhiều kỳ tích hơn chẳng hạn. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, bạn vẫn sẽ luôn cảm thấy căng thẳng khi làm việc cùng những người như vậy.
Vậy, trong tình huống này, chúng ta nên đặt ra những chiến lược như thế nào để thích ứng với nó?
Đặt ra một giới hạn về mức độ làm việc
Nhà trị liệu tâm lý, Laura F. Dabney, nói rằng: "Nói một cách ngắn gọn nhất, bạn nên vạch ra một đường thẳng thích hợp nhưng chắc chắn trên cát". Ví dụ, nếu một ông chủ đang đề cập đến việc bắt đầu một dự án, vào thời điểm mà ngày làm việc sắp kết thúc, thì người nhân viên nên trả lời với sếp rằng: "Tôi mong được bắt đầu thực hiện công việc đó vào ngày mai".
Khi làm điều này, đừng đi sâu vào các chi tiết về cảm xúc cá nhân như: "'Tôi phát cáu khi ông muốn tôi phải tiếp tục làm việc sau 5 giờ chiều", hoặc nói những lời không thể hiện tinh thần đồng đội như: "Bây giờ đã là cuối ngày rồi, và tôi không muốn nhận thêm bất kỳ công việc gì nữa!".
Hãy kiên định
Alexander S. Lowry, giáo sư tài chính tại Đại học Gordon, cho biết: "Đừng thay đổi các quy tắc của bạn về thời điểm bạn sẽ làm việc và không làm việc, "cho dù đó là việc trả lời email trong những khoảng thời gian nhất định, hay bạn sẽ không làm việc vào cuối tuần. Bất cứ điều gì bạn cần làm, hãy thực hiện nó một cách nhất quán". Một khi bạn đã phá vỡ quy tắc, người sếp "tham công tiếc việc" của bạn sẽ cho rằng, những quy tắc đó của bạn không còn giá trị nữa.
Vì vậy, hãy sớm đặt ra quy tắc làm việc của bản thân và giải thích lý do tại sao bạn làm như vậy. Ví dụ, đó là "Thời gian dành cho gia đình" hoặc "Tôi sử dụng thời gian này để có giấc ngủ cần thiết, và nó sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc hơn"...
Tập trung vào những thành tích của bạn, đừng đề cập đến thời gian làm việc
Hãy cố gắng tránh các cuộc trò chuyện về số lượng thời gian bạn sẽ phải dành cho công việc, kể cả thời điểm bạn đến làm việc và thời điểm bạn ra về.
Lynn Branigan, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của She Runs It, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để đảm bảo quyền đại diện của phụ nữ tại nơi làm việc, đã khuyên rằng: "Nếu sếp của bạn bắt đầu một cuộc trò chuyện, hãy cố gắng tập trung chỉ ra những thành tựu và kết quả của công việc mà bạn đã thực hiện được".
Thành công nằm ở chất lượng công việc của bạn, chứ không phải ở việc bạn đã phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để thực hiện một nhiệm vụ nào đó.
Gợi ý một cách thông minh về các hoạt động khác ngoài công việc dành cho những người tham công tiếc việc
Đây sẽ một sự nỗ lực rất lớn và hơi mạo hiểm, nhưng nó rất đáng để thực hiện.
Nhà tâm lý học môi trường công sở, Michael Woodward, người sáng lập Human Capital Integrated (HCI), đã đưa ra lời khuyên: "Hãy nêu ra những trải nghiệm thú vị mà bạn đã có, để nâng cao khả năng sáng tạo của bạn trong công việc. Khuyến khích một cách tinh tế đối với những người nghiện công việc để động viên họ tham gia vào các hoạt động khác ngoài công việc" "Nếu họ hiểu được, việc cải thiện sức khỏe hoặc dành thời gian đi du lịch có thể giúp ích cho họ như thế nào trong công việc, họ có thể ngay lập tức tham gia vào điều đó".
Xác định rõ khi nào thì bạn nên từ bỏ
Huấn luyện viên nghề nghiệp, James Pollard, của trang TheCommentCoach.com nhận định: "Nếu sếp của bạn không thể hiểu rằng, bạn cần có một chút thời gian để nghỉ ngơi hoặc đôi lúc, bạn cần có thời gian để suy nghĩ về những vấn đề khác ngoài công việc, thì có lẽ, người sếp đó không phải là người phù hợp với bạn" "Chẳng có công việc nào đáng giá đến mức, bạn phải chịu đựng nó mỗi ngày và luôn cảm thấy khốn khổ vì nó".
Mai Phương
Theo MW