Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP HCM để bàn việc liên kết, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ ngành ôtô và các hoạt động liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải Trần Bá Dương chủ trì buổi làm việc trực tuyến
Mô hình liên kết sản xuất mới
Theo ông Lê Trí Thanh, THACO là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ôtô với quy mô lớn nhất cả nước hiện nay, từng bước chuyển thành ngành công nghiệp cơ khí đa dụng với trung tâm đặt tại Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Sau nhiều năm khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực ôtô, THACO hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều đơn vị thành viên.
Chủ tịch Lê Trí Thanh cho biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị THACO cho phép các DN tại tỉnh Quảng Nam và TP HCM tham gia chuỗi giá trị sản xuất của THACO, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất, gia công lắp ráp ôtô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng kỳ vọng trong tương lai, khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ôtô, cơ khí đa dụng của THACO đặt tại Chu Lai sẽ trở thành trung tâm công nghiệp mang thương hiệu toàn cầu. "Chúng tôi mong muốn thiết lập được mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các DN để đồng hành, phát triển vì mục tiêu tạo dựng thương hiệu của từng DN. Bản thân THACO trước đây không phải là một thương hiệu lớn nhưng với sự quyết tâm, DN đã khẳng định được vị thế hiện nay" - ông Thanh nói.
Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương cho hay triết lý của công ty là "làm thật, tạo ra giá trị thật, làm một cách bài bản từ thấp lên cao, từ nhỏ đến lớn và chọn lựa các mục tiêu để đưa ra mô hình quản trị một cách hợp lý". Trước đây, chiến lược của THACO là thông qua sản xuất ôtô để phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ nhưng hiện nay, DN mạnh dạn tổ chức và vận hành khu liên hợp như một trung tâm cơ khí. Theo đó, không chỉ dừng ở phạm vi nội bộ, THACO sẽ mở rộng việc phát triển ra ngoài thông qua việc các DN cùng với THACO tạo ra mô hình sản xuất mới trong cơ khí và công nghiệp phụ trợ. Đây là xu thế tất yếu và cũng là cơ hội cho THACO, tỉnh Quảng Nam và các DN liên quan. "Chúng tôi tổ chức hội nghị này không nhằm mục đích "đánh bóng" mà làm với trách nhiệm phát triển tổ hợp cơ khí, công nghiệp phụ trợ ôtô tại Chu Lai trở thành Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung. Nếu làm tốt, 3 năm sau, thậm chí qua từng năm, có thể thấy được sự lớn lên của ngành cơ khí và công nghiệp phụ trợ" - ông Trần Bá Dương khẳng định.
Công nhân Công ty CP Ô tô Trường Hải thực hiện các công đoạn sản xuất ôtô
Hỗ trợ DN dời từ TP HCM về Quảng Nam
Tại hội nghị, đại diện các DN đã trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo THACO về cơ chế ưu đãi, hướng hợp tác cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ.
Ông Trần Vũ Lê, Chủ tịch Hội Doanh nhân Quảng Nam tại TP HCM, cho biết các DN đều hào hứng, mong muốn hợp tác với THACO và đề nghị Chủ tịch HĐQT THACO gợi mở về hướng hợp tác cụ thể. Trả lời, ông Trần Bá Dương cho biết trong việc tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, không phải nói là có thể làm ngay được mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ví dụ, để cung cấp nguyên liệu, phụ tùng cho chuỗi sản xuất, nhà cung ứng phải bảo đảm đúng chất lượng, đúng thời gian giao hàng, giá thành tốt nhất. "Vấn đề quan trọng là DN phải quản lý chất lượng ra sao để sản xuất 1.000 sản phẩm hay 1 triệu sản phẩm cũng tuyệt đối không có 1 sản phẩm lỗi" - ông Dương lưu ý.
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cơ khí - Điện TP HCM, tin rằng với quyết tâm của Quảng Nam và sự dẫn dắt của THACO, ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ sẽ có bước phát triển vượt bậc. Ông Sơn bày tỏ mong muốn THACO mở văn phòng đại diện trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ ở TP HCM và có những buổi tọa đàm trao đổi sâu để DN dễ dàng kết nối. Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết THACO đang thành lập Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ, đồng thời sẽ có văn phòng tại TP HCM.
Với câu hỏi của ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, về cơ chế, chính sách hỗ trợ nếu DN dời từ TP HCM về Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho hay sự thành công của Quảng Nam gắn liền với Khu Kinh tế mở Chu Lai, trong đó hạt nhân là THACO. Ở đây có những quy định thông thoáng, nhiều cơ chế ưu đãi về thuế, tiền thuê đất để khuyến khích đầu tư. Quan trọng hơn, ở Chu Lai đã hình thành các KCN chuyên ngành cơ khí và đang đầu tư các KCN phụ trợ khác.
Khẳng định Chu Lai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc sản xuất, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, ông Trần Bá Dương cũng thông tin THACO sẽ hỗ trợ các DN muốn dời về Quảng Nam. "Các anh có công nghệ, có máy móc. Chúng tôi sẽ xây nhà xưởng và cho thuê giá rẻ, cam kết nếu làm không được thì có thể đưa máy móc đi. Chúng tôi không có chuyện hứa không làm, chỉ có làm thật, nghĩ thật mới tạo ra giá trị" - ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.
Tin tưởng sẽ thành công
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, trên thế giới đã có mô hình tập đoàn lớn liên kết với các DN nhỏ và vừa để tạo ra giá trị nhưng đây là lần đầu ở Việt Nam và Quảng Nam là địa phương đi tiên phong. Ông Lê Trí Thanh tin tưởng mô hình sẽ thành công vì lãnh đạo THACO "nói được, làm được" và thực tế đã chứng minh. "Hội nghị trực tuyến giữa tỉnh Quảng Nam, THACO và các DN nói lên quyết tâm, thông điệp rõ ràng về chiến lược, tầm nhìn, định hướng phát triển trong việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trong đó có lĩnh vực ôtô" - ông Lê Trí Thanh nói và khẳng định Quảng Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để hỗ trợ tốt nhất cho DN.
Xem thêm: mth.90194920232011202-ort-uhp-peihgn-gnoc-ut-uad-iog-iom-man-gnauq/et-hnik/nv.moc.dln