Trung Quốc đồng loạt thay đổi lãnh đạo 7 địa phương
Vào ngày 19/10 (giờ địa phương), theo Tân Hoa xã, Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định bổ nhiệm Lưu Ninh thay Lộc Tâm Xã làm Ủy viên, Thường vụ và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Vương Ninh kế nhiệm Nguyễn Thành Phát làm Ủy viên, Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam.
Cùng ngày, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc ra thông báo, Hứa Cần được bổ nhiệm làm Ủy viên, Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang; Ngô Chính Long được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô; Dịch Luyện Hồng được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây; Trương Khánh Vĩ được bổ nhiệm làm Ủy viên, Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam; Vương Quân Chính được bổ nhiệm làm Ủy viên, Thường vụ và Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng.
Khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ càng đến gần, tốc độ đổi mới nhân sự càng được đẩy nhanh.
Đợt điều động nhân sự mới nhất được thông báo chỉ 1 ngày sau phiên họp của Bộ Chính trị Trung Quốc (18/10) do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, quyết định tổ chức Hội nghị toàn thể trung ương 6 của ĐCSTQ từ ngày 8-11/11.
Nghị trình quan trọng của Hội nghị này bao gồm xem xét và thông qua "Nghị quyết của trung ương ĐCSTQ về thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử của đảng trong 100 năm phấn đấu" - được coi là "nghị quyết lịch sử thứ 3" của Trung Quốc.
Theo China Newsweek, trong số 7 lãnh đạo địa phương vừa được bổ nhiệm có đến 6 người là các quan chức thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1960. Người trẻ nhất là ông Ngô Chính Long, sinh tháng 11/1964.
Bốn năm sau khi Trương Khánh Vĩ phụ trách Hắc Long Giang, ông được chuyển đến Hồ Nam, và đang có một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong tương lai. Ảnh: Visual China
Giải mã cách "dùng người" của Trung Quốc
Tờ Minh Báo của Hồng Kông ngày 20/10 đưa tin, các bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng mới được bổ nhiệm thể hiện chính sách "dùng người" của ban lãnh đạo Trung Quốc. Hầu hết là cán bộ miền Nam đi lên phía Bắc, cán bộ miền Bắc đi xuống phía Nam, quan chức các bộ và ủy ban trung ương được điều xuống, cán bộ địa phương được điều lên Bắc Kinh, chứ ít khi thăng chức cho quan chức đang làm việc tại địa phương.
Trong số các quan chức được thăng chức vào ngày 19/10, tân Bí thư Tây Tạng Vương Quân Chính là người Sơn Đông, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được bổ nhiệm vào Bộ Lao động Quốc gia ở Bắc Kinh và làm thư ký cho Thứ trưởng Lệnh Hồ An lúc bấy giờ. Sau đó, ông ta lại theo Lệnh Hồ An đến Vân Nam, gắn bó ở đó gần 20 năm.
Năm 2012, đang làm Bí thư thành phố Lệ Giang, Vương Quân Chính được điều về tỉnh Hồ Bắc, làm Phó tỉnh trưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Bí thư thành phố Tương Dương. Sau đó lại "bắc tiến" về tỉnh Cát Lâm, phụ trách thành phố thủ phủ Trường Xuân. Tiếp theo đó, ông Vương lại sang phía Tây đến Tân Cương nhận chức Bí thư Ủy ban Chính pháp của Khu tự trị. Một năm sau, ông được bổ nhiệm chức Bí thư Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, trở thành quan chức cấp bộ. Lần này vào Tây Tạng, Vương Quân Chính đã chính thức trở thành người đứng đầu khu tự trị.
Mặc dù tân Bí thư Giang Tô Ngô Chính Long là người Nam Kinh, đáng lẽ ông phải trưởng thành ở một nơi khác. Đầu tiên, ông làm thư ký cho Bộ trưởng Bộ Cơ giới Bao Tự Định; sau đó đi xuống phương nam đến Trùng Khánh cùng với Bao Tự Định; phục vụ bốn đời Bí thư Trùng Khánh gồm Vượng Dương, Bạc Hy Lai, Trương Đức Giang và Tôn Chính Tài.
Tuy nhiên, sau đó ông được cử đến Thái Nguyên - thủ phủ của tỉnh Sơn Tây, rồi lại được điều chuyển về quê hương Giang Tô và trở thành một quan chức hiếm hoi "thăng tiến" ngay tại quê nhà.
Tân Bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang Hứa Cần đã ở Thâm Quyến 9 năm. Ảnh: Visual China
Mặc dù lộ trình thăng tiến của các quan chức này rất phức tạp, nhưng cũng có quy luật. Như Tỉnh trưởng Hà Bắc Hứa Cần phải "bắc tiến" lên Cáp Nhĩ Tân đảm nhiệm chức Bí thư Hắc Long Giang, chính là đi lại con đường của người tiền nhiệm Trương Khánh Vĩ, cũng là để duy trì "nguyên tắc" Tỉnh trưởng Hà Bắc không được thăng chức làm Bí thư tỉnh này. Do có vị trí quan trọng, Bí thư tỉnh Hà Bắc thường phải do Bí thư tỉnh khác đảm nhiệm.
Lộ trình của Trương Khánh Vĩ từ Hắc Long Giang đến Hồ Nam dường như giống với cựu Bí thư Hồ Nam Đỗ Gia Hào. Ông Đỗ từng đảm nhiệm chức Phó Bí thư Hắc Long Giang trước khi được điều xuống phương nam đảm nhiệm chức Tỉnh trưởng Hồ Nam, rồi sau đó được thăng chức Bí thư.
Ngoài các bí thư của 7 tỉnh và khu vực nói trên, Quyền Tỉnh trưởng Liêu Ninh Lý Lạc Thành và Quyền Tỉnh trưởng Giang Tô Hứa Côn Lâm mới được bổ nhiệm cũng đang thu hút sự chú ý.
Con đường thăng tiến của Quyền Tỉnh trưởng Liêu Ninh Lý Lạc Thành là thuận lợi nhất. Ông đảm nhiệm nhiều chức vụ trong thời gian dài tại quê hương Hồ Bắc, làm đến chức Phó Tỉnh trưởng thường trực. Lần đầu tiên xa quê hương là đến Đông Bắc và đang rất có triển vọng trở thành Tỉnh trưởng.
Những địa phương có vị thế cao
Trang Đa Chiều bình luận, việc giữ chức tại những địa phương có vai trò chính trị cao cũng là một con đường cho sự thăng tiến quyền lực của các quan chức Trung Quốc.
Mặc dù Tô Châu không phải là thủ phủ tỉnh Giang Tô, cũng như không phải là thành phố trực thuộc tỉnh, nhưng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ NDT khiến cho thành phố này giống như một "tỉnh giàu có".
Trong số những người từng đảm nhiệm chức Bí thư Tô Châu có cựu Bí thư Giang Tô Lương Bảo Hoa, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh, cựu Bí thư Liêu Ninh Vương Mân, đương kim Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân tỉnh Quảng Đông Vương Vinh, và Bí thư khu tự trị Nội Mông Thạch Thái Phong.
Trước đó, vào tháng 9, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Nhà nước Trung Quốc Chu Nãi Tường, nguyên là Bí thư Tô Châu, đã trở thành Tỉnh trưởng Sơn Đông. Lần này, Hứa Côn Lâm được thăng chức trực tiếp từ Bí thư Tô Châu lên Tỉnh trưởng Giang Tô.
Nơi có vai trò chính trị cao tương tự là "Đệ nhị thành phố" Tương Dương của Hồ Bắc, nơi Vương Quân Chính và Lý Lạc Thành từng đảm nhiệm chức bí thư. Bí thư Vân Nam mới nghỉ hưu Nguyễn Thành Phát, Tỉnh trưởng Cam Túc đương nhiệm Nhiệm Chấn Hạc, Thị trưởng Trùng Khánh Đường Lương Trí… cũng từng kinh qua chức Bí thư Tương Dương.
Theo Đa Chiều, nơi có vai trò chính trị cao cũng bao gồm các cán bộ từ Phúc Kiến và các quan chức tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa. Họ cùng với các quan chức từ cơ quan quyền lực của tỉnh Chiết Giang giàu có, các quan chức từ Tây Bắc, các quan chức từ Cục Công nghiệp Quân sự và Hàng không vũ trụ và các quan chức từ Sơn Đông cùng nhau tạo thành thế lực chính trên chính trường Trung Quốc ngày nay.