Melvin Carroll đã đâm liên tiếp và có nhiều hành vi tàn bạo với Julio Jimenez trong một vụ trộm xe hơi. Nhưng người nhà nạn nhân, lạ thay, luôn sẵn sàng tha thứ.
"Tôi không bao giờ có thể quên được tội ác của anh, nhưng tôi không muốn bị ám ảnh bởi điều đau buồn đã qua", Trino, em trai của nạn nhân viết cho kẻ giết người trong lá thư tháng 2/2015. "Chúa yêu anh và ngay cả tội giết người, cũng nên được tha thứ".
Trong vòng vài tuần, anh ấy đã nhận được phản hồi, tạo tiền đề cho một tình bạn lạ lùng gần như không thể tưởng tượng được. Nó thách thức quan điểm, với những vụ giết người nghiêm trọng, thì nạn nhân, gia quyến và kẻ thủ ác, luôn cần phải được giữ thật xa nhau.
Julio Jimenez, anh cả trong gia đình gốc Mexico có 4 anh em ở Huntington Park, bang California. Năm 24 tuổi, anh đang làm việc trong một nhà kho ở Nam Los Angleles, nuôi 2 cậu con trai, sơ sinh và 4 tuổi.
Anh tận hưởng vai trò làm cha và những thú vui giản dị trong cuộc sống, như lái xe cho con đi chơi quanh thị trấn. Nhưng giống một số người bạn của mình, anh ta thường xuyên sử dụng PCP, một loại thuốc gây nghiện và ảo giác, còn được gọi là "bụi thiên thần". Anh ta mua nó từ Carroll, người đã phải ngồi tù vài năm trước đó vì tội cướp và trộm ôtô nghiêm trọng.
Ngày 27/ 2/1986, Carroll cùng với hai người đàn ông khác quyết định đánh cắp chiếc xe của Julio. Carroll sau đó mời Julio vào xe riêng của mình, vờ giúp anh ta tìm ôtô.
Họ đã ra Công viên Slauson của Nam Los Angeles. Julio trở nên nghi ngờ và buộc tội Carroll có liên quan. Carroll phủ nhận và đánh đập Julio. Thi thể của anh được hai người tìm thấy sau đó. Gần hai năm sau, Carroll bị kết án chung thân.
Trino Jimenez 18 tuổi khi anh trai qua đời, nhưng phần lớn thời gian của năm đó đã bị xóa mờ trong ký ức của anh. Anh bắt đầu mất niềm tin vào những người da đen, chỉ vì Carroll là người da đen. Trong thời gian ngắn, Trino quay sang uống rượu để làm tê liệt nỗi đau.
"Tôi đã rất mất mát. Tôi từng muốn toàn bộ những người da đen phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh trai mình", Trino sau này hồi tưởng.
Nhưng với tư cách một người truyền đạo, những cuộc gặp gỡ trong nhiều năm với những người bị kết án vì những tội ác tày trời đã khiến Trino suy ngẫm về sự tha thứ và khả năng thay đổi của một người. Anh cuối cùng đã tìm cách liên lạc với Carroll.
Năm 2014, qua mối quan hệ tại nhà thờ, Trino biết thêm về hồ sơ tội phạm và lý lịch của kẻ thủ ác. Ở tuổi thiếu niên, Carroll từng đột nhập nhà một phụ nữ để ăn trộm và khiến chủ nhà trọng thương.
Carroll sau đó trải qua 18 tháng tại một cơ sở cải huấn dành cho trẻ vị thành niên ở Texas trước khi chuyển đến California, nơi cuộc sống của anh tiếp tục đi xuống khi bị bắt vì tội cướp.
Trino thương cảm và bắt đầu nhìn Carroll với con mắt ít thù hận, quyết định viết thư "giảng hoà".
Một ngày tháng 2/2015, tại nhà tù ở Vacaville, bang California, tù nhân Carroll nhận ra tên người gửi trên lá thư gửi cho mình, run rẩy bóc phong bì và mong đợi những lời lẽ căm thù. Nhưng Carroll gần như không thể tin được những gì Trino viết.
"Sau cái chết của anh trai, tôi đã phải đối mặt với rất nhiều cuộc đấu tranh. Trái tim tôi tràn ngập sự tức giận và không chỉ là sự tức giận đối với anh, người trực tiếp chịu trách nhiệm, mà còn với cả chủng tộc của anh", Trino viết. "Nhưng Chúa đã phải giúp tôi trong những cuộc đấu tranh, thời gian xao dịu cơn giận dữ của tôi. Giờ tôi có thể nói với anh, sự thù hận đã thoát khỏi trái tim tôi".
Một người bạn nói với Carroll rằng Trino có vẻ rất chân thành, vì vậy tù nhân này đã gửi cho anh một câu trả lời được đánh máy, nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi. "Tôi hiểu rằng mình phải trả giá cho sinh mạng mà mình đã tước đoạt hôm ấy, ngày 28/2/1986", Carroll viết.
Khi nhận được lá thư, Trino đã khóc như cái ngày vừa biết tin anh trai qua đời. Trong lá thư tiếp theo, anh hỏi Carroll tại sao anh lại giết anh trai mình dã man như vậy. Có phải anh ta nợ anh ta tiền không? Anh ta có sai không? Hay là chỉ để cướp?
Carroll trả lời rằng Julio "không làm gì đáng bị chết," nhưng lại là nạn nhân của "lối sống kiểu kẻ săn mồi và lối suy nghĩ tội phạm", của những người dính vào ma tuý. Các cuộc trao đổi tiếp tục ổn định và ngày càng thân thiết hơn.
Carroll bắt đầu thực sự cảm nhận được nỗi đau mà mình đã gây ra cho gia đình Trino. Sau rất nhiều năm làm tổn thương mọi người, Carroll, người từng tuyên bố "hối hận không phải là một phần trong lối sống của tôi" đã thay đổi.
"Tôi bắt đầu cảm đau, rất đau. Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc hối hận. Không bao giờ", anh ta nói, sự hối hận này "mới mẻ" với mình,nhưng rất đau đớn.
Hệ thống nhà tù của California bắt đầu tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa nạn nhân và tù nhân vào những năm 1990. Các cuộc đối thoại này là một dấu hiệu của công lý phục hồi, nhấn mạnh vào việc chữa lành tổn thương qua đối thoại. Nó chú ý đến cách các tù nhân trải qua chấn thương tấm lý như thế nào.
Ở California, chỉ những người sống sót và thân nhân của nạn nhân mới có thể bắt đầu đối thoại bằng cách liên hệ với nhà tù. Nếu một tù nhân đồng ý và vượt qua cuộc sàng lọc, điều hành viên được đào tạo sẽ chuẩn bị cho hai bên một cuộc gặp riêng. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng.
Cuộc gặp không được ghi lại trong hồ sơ chính của tù nhân để đảm bảo nó không ảnh hưởng đến tình trạng cải tạo của họ. Một số nạn nhân tham gia bí mật vì gia đình họ có thể không chấp thuận.
Nhưng chương trình đối thoại này không được nhiều người biết đến hoặc ứng dụng rộng rãi. Chỉ có 58 cuộc đối thoại lần đầu từ năm 2011 đến nay. Một vài cặp đã gặp nhau nhiều lần.
Nhà chức trách nhận định, thực tế, việc nạn nhân vào tù để gặp mặt kẻ từng hại họ là cực kỳ hiếm. "Nhưng không có nghĩa là họ không nên có cơ hội đó".
Ý tưởng về cuộc gặp gỡ với gia đình Trino đã khiến Carroll cảm thấy khó chịu. Mặc dù hai điều hành viên đã dành hàng tháng trời để chuẩn bị cho anh ấy đối thoại, anh ấy đã đi lại trong sân nhà tù vào đêm hôm trước, suy nghĩ tới lui. Cuối cùng, anh chấp nhận.
Tháng 3/2017, cuộc gặp diễn ra với hỗ trợ của 2 điều hành viên, một lính canh ngồi ngoài canh gác. Trino nhắm mắt bước tới Carroll trong khi phạm nhân đang run rẩy.
Trino cho Carroll xem những bức ảnh về gia đình mình, bao gồm cả bức ảnh bên mộ của Julio Jimenez. Carroll khóc như mưa, gục đầu xuống bàn, thổ lộ về tuổi thơ sống với bà ngoại ở các khu ổ chuột, bị người da trắng khinh bỉ và bị ảnh hưởng đến tâm lý căm ghét người khác chủng tộc khi lớn lên.
Sau 6 giờ nói chuyện, hai người đã ôm lấy nhau. Carroll sau đó đã mỉm cười rất tươi và được hỏi rằng liệu anh ta có cơ hội được ân xá. "Tôi còn có thể chia sẻ với anh điều tốt hơn cả sự ân xá", Trino nói.
Vào tháng 12/2019, Trino tham dự phiên điều trần tạm tha cho Carroll tại nhà tù của Trung tâm Bảo tồn Sierra ở Quận Tuolumne.
Anh ta nói rằng mặc dù không thể phủ nhận nỗi đau mà Carroll đã gây ra, nhưng Carroll đã xin lỗi không chỉ trong bức thư đầu tiên mà còn trong những bức thư sau đó. Trino nói với hội đồng ân xá rằng mối quan hệ của anh với Carroll đã khiến anh nhẹ nhõm.
"Bản thân tôi cũng đã được trao cơ hội để chữa lành thương tâm lý. Và tất cả bắt đầu bằng việc, Carroll đã nói đồng ý với tôi", anh nói. Kết quả, Carroll được ân xá.
Hiện nay, Carroll, 61 tuổi, làm việc giúp đỡ những người vô gia cư ở Bắc California và nói rằng ông muốn "sống nốt những thứ còn lại trong cuộc đời mình, theo một cách lương thiện".
Trino và Carroll vẫn liên lạc. "Tôi nợ người đàn ông đó mọi thứ", cựu tù nhân nói. "Sự nhân từ của anh ấy đã giúp tôi có được tự do. Làm sao tôi có thể không biết ơn một người như thế?".
Nhưng nỗi đau buồn của Trino trở nên phức tạp khi nghĩ về hai người anh em khác của mình, và mẹ, những người chưa sẵn sàng tha thứ và đã không tham dự các phiên điều trần ân xá của Carroll.
Năm 2018, Trino khi này 53 tuổi, đã thuyết phục Carroll viết cho mẹ anh một bức thư. Nghĩ về con trai quá cố vẫn nhanh chóng khiến bà Maria Jimenez rơi nước mắt. Ngồi trong nhà, bà ôm một bức ảnh lớn của Julio khi còn nhỏ vào ngực và hầu như không thể nói gì khi nhắc về con trai.
Giữa những lần hít thở sâu, bà nhớ lại cái đêm mà Julio bị giết, bà đã thức để đợi anh trở về nhà như thế nào.
Bà nói mình không còn ác ý với Carroll nữa và Chúa nên ban phước cho anh ấy. Maria khóc khi đọc bức thư xin lỗi mà Carroll gửi cho mình. "Nó được viết rất hay. Nhưng nỗi đau vẫn ở đó", bà nói.
Hải Thư (Theo LATimes)
Xem thêm: lmth.5616734-uht-tas-av-nahn-nan-iart-me-auig-hnal-mal-nix-couc/ten.sserpxenv