Chiều 25-10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Tại buổi họp, liên quan đến đề xuất cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết UBND TP.HCM đang xem xét và cùng với các sở, ngành cân nhắc việc này.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: HOÀNG NHÂN
“Việc phục vụ thức ăn tại chỗ như thế nào, cách làm ra sao, đánh giá như thế nào để mở lại tại chỗ… còn có nhiều việc cần trao đổi” – ông Tú cho biết và khẳng định việc này UBND TP.HCM còn đang trong quá trình trao đổi, xem xét.
Ông Tú cũng thông tin thêm là trong ngày 25-10, lượng cung ứng hàng hoá ổn định, với 6.000 tấn/ngày. TP.HCM có 120/234 chợ truyền thống đã được mở, chỉ còn hai quận, huyện đang xem xét mức độ an toàn để sớm mở lại chợ.
Trước đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã có tờ trình dự thảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.
Theo tờ trình, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ sáu tiêu chí về điều kiện đảm bảo ATTP và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sáu tiêu chí bao gồm:
1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ các cơ sở được quy định tại Điều 12 Nghị định 15/2018) và có đăng ký mã QR tại đại chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn.
2. Đảm bảo điều kiện ATTP tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan…).
3. Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao/nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng một lần.
4. Người lao động, người đến cơ sở (người giao hận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (khai báo y tế, tiêm ngừa vaccine, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19…)
5. Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: Không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch COVID-19.
Căn cứ cấp độ dịch để mở lại dịch vụ Sáng 22-10, bên lề kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau khi TP.HCM công bố cấp độ dịch của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, từng địa phương sẽ căn cứ vào đó để cho mở lại các dịch vụ. Trong đó, tại địa phương “vùng xanh”, hàng quán, ăn uống tại chỗ và một số dịch vụ khác sẽ được mở lại. “TP.HCM sẽ mở dần các hoạt động khi tình hình được cải thiện và kiểm soát được dịch, việc mở lại các ngành, dịch vụ phải đảm bảo theo bộ tiêu chí an toàn” - ông Mãi nói. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng cho rằng căn cứ theo Nghị quyết 128, có những vấn đề “phải liên thông” nhưng có những lĩnh vực thì phải theo địa bàn. Ví dụ, địa phương có dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh) thì được mở nhiều hơn so với địa bàn cấp độ 2 (vùng vàng) và cấp độ 3 (vùng cam). |