Tuy nhiên, đại biểu Trần Quang Minh (Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình) lại băn khoăn về quy định này. "Tại sao cứ phải 5 năm mới rà soát lại, và 5 năm tính từ thời điểm nào", ông nói.
Rút kinh nghiệm về những sai sót trong quá trình thống kê số liệu doanh nghiệp trước đây như năm 2017, 2018 đã kéo theo nhiều hệ lụy, ông Minh đề nghị việc đánh giá phải được tiến hành hằng năm dựa trên số liệu cập nhật thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Điều này tạo cơ sở cho việc hoạch định chính xác các chủ trương, chính sách cho những năm tiếp theo.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình, hiện nay công nghệ thông tin được áp dụng trên tất cả lĩnh vực. Chính phủ điện tử đang vận hành ngày càng chuyên nghiệp; nhiều công cụ, biện pháp thống kê khoa học và hiện đại đã được sử dụng.
Ví dụ, cơ sở dữ liệu dân cư đang thường xuyên được cập nhật, không phải tổ chức thống kê dân số theo kiểu thủ công như trước. Số liệu về doanh nghiệp cũng được cập nhật thường xuyên trên hệ thống quản lý nhà nước. Bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, rút lui khỏi thị trường đều nắm được một cách dễ dàng.
"Vì thế, định kỳ 5 năm tổ chức rà soát, đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm một lần, tôi thấy chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác và nghi ngờ vào số liệu thống kê", ông Minh nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ) thống nhất với đề xuất định kỳ 5 năm rà soát và đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước GDP và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực thì cần tính toán lại GDP sớm để làm mốc tính toán cho các lần sau.
"Tôi cũng nghĩ rằng GDP của chúng ta hiện nay chưa sát với thực tế và việc tính toán lại sớm thì rất cần thiết, để có thể nhìn được bức tranh tổng quát của nền kinh tế quốc gia", ông nói.
Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc luật hóa các quy định trên sẽ tăng cường hiệu lực pháp lý; hiệu quả trong thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê; bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong biên soạn, công bố GDP, GRDP.
Đại biểu Nguyễn Như So (Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam) nói, hiện nay, việc điều chỉnh và công bố GDP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê thực hiện. Tuy nhiên, GDP là một trong những biến số kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, tác động đến nhiều chỉ tiêu thống kê, kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh GDP có tác động lan tỏa mạnh mẽ, đánh giá và hoạch định chủ trương, chính sách pháp luật và phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, tác động đến nhận thức, tâm lý xã hội, đảm bảo lòng tin của xã hội và yếu tố pháp lý ở mức cao.
"Tôi đề nghị việc điều chỉnh GDP và các chỉ tiêu thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng khác, như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, bội chi thu ngân sách là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội", ông So nói.
Xem thêm: lmth.1586734-pdg-om-yuq-ial-aig-hnad-man-5-yk-hnid-taux-ed/ten.sserpxenv