Có hai vấn đề lớn mà người kinh doanh nhà hàng, quán ăn chia sẻ nếu được mở cửa trở lại, đó là bộ tiêu chí mở lại và xử lý khi ca F0 xuất hiện tại hàng quán.
Quá trình mở lại dịch vụ ăn uống diễn ra không đều giữa các địa phương, tùy tình hình dịch bệnh. Quán ăn ở Hà Nội được mở trước, sau là Biên Hòa, Hải Phòng... Tại TP.HCM, mỗi quận cũng triển khai khác nhau.
Điều này tạo không ít khó khăn cho các hệ thống chuỗi nhà hàng, quán ăn, vốn vận hành theo mô hình tập trung. Nhiều quản lý chuỗi cho biết họ gặp khó khi mở cửa vì thủ tục ở mỗi địa bàn khác nhau. Cái khó này tựu trung lại do sự không rõ ràng trong thực thi, kiểm tra.
Nhưng doanh nghiệp sợ nhất là gánh nặng chi phí xử lý các ca F0 phát sinh trong khu vực nhà hàng. Họ cần hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp nhất quán trong chuỗi trong hệ thống từ cơ quan quản lý.
Chúng ta xác định mở cửa ngành dịch vụ với chủ trương "an toàn đến đâu mở cửa đến đó, có an toàn thì mới mở". Như vậy có thể hiểu chiếu theo tiêu chí an toàn, sẽ có điểm kinh doanh không đáp ứng khi mở cửa. Điều này càng khó với các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, do điều kiện kinh doanh như mặt bằng còn hạn hẹp.
Tuy vậy, người kinh doanh vẫn có những "năng lực" riêng của họ, đó là họ biết phải làm gì để có thể duy trì kinh doanh, hạn chế tối đa mở rồi tạm ngưng do có ca F0. Các chủ quán ăn, đặc biệt là những chuỗi quán lớn, rất chủ động trong phòng chống dịch.
Họ đã gắng gượng những tháng qua, nay xác định đây là cơ hội để làm ăn lâu dài. Vì thế, với họ những điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh trở lại cần được tiếp cận một cách phù hợp, nhất quán trong phạm vi an toàn phòng chống dịch, dễ thực hiện và cho họ có được không gian linh hoạt để đáp ứng yêu cầu an toàn.
Như ở Hà Nội, một số nhà hàng đã dựng vách ngăn giữa các bàn ăn. Hay hàng quán ở TP.HCM cũng sẽ quét mã QR và chỉ phục vụ khách đã tiêm hai mũi vắc xin, được quyền từ chối phục vụ khách chưa đủ điều kiện.
Vì vậy, doanh nghiệp chỉ mong muốn các tiêu chí phải là thông điệp rõ ràng để họ căn cứ vào đó, tự đánh giá tình hình, tính toán để mở cửa, vận hành quán ăn, nhà hàng một cách ổn định và hiệu quả.
Chính sách quản lý hiệu quả là tạo không gian, trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ. Lần trở lại này, bản thân chủ quán cũng phải sáng tạo, thích nghi để không chỉ an toàn cho bản thân, cho khách mà cho cả công tác chống dịch của cộng đồng.
Đây là lúc các quán ăn phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khi đặt hàng, thanh toán không tiền mặt, kiểm soát khách đã tiêm đủ hai mũi…
Hơn ai hết, doanh nghiệp hiểu rằng các quy định, tiêu chí an toàn là cần thiết để mở cửa an toàn, bởi nếu buông lỏng, nguy cơ lây nhiễm rất lớn.
Nhưng làm sao để việc áp dụng, thực thi các quy định thuận lợi, không đẩy những chủ quán vào tình thế bị động trong kiểm soát tình huống. Muốn vậy, phải tránh những tiêu chí cảm tính, thiếu cơ sở khoa học.
TTO - Nhiều đơn vị chưa đồng tình với các quy định về điều kiện để cho mở bán tại chỗ vừa được Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM trình UBND TP. Nhưng ngay người dân, hàng quán cũng có ý kiến lo ngại dịch vì tình hình còn phức tạp.
Xem thêm: mth.56864747062011202-oat-gnas-nauq-uhc-ohc-ed-yah/nv.ertiout