Bạn đọc lựa sách tại một hiệu sách ở Hà Nội năm 2019 - Ảnh: T.ĐIỂU
Đó là hiện thực "cay đắng" mà những người làm xuất bản sách cùng chia sẻ và đồng cảm với nhau tại hội thảo Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu do Cục Xuất bản, in và phát hành tổ chức diễn ra tại Hà Nội chiều 25-10.
Biết thừa sách lậu vẫn mua
Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, cho biết thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp.
Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết đơn vị này là một trong số những đơn vị xuất bản bị làm giả nhiều nhất, mặc dù họ đi đầu trong việc sử dụng tem 7 màu chống sách giả, cứ 6 tháng thay một mẫu tem gửi cho nhà in. Nguyên nhân là do in lậu, in nối bản từ nhà in, đối tác tư nhân ở ngoài in lậu…
Nhà xuất bản Trẻ mỗi năm xuất bản khoảng 2.000 đầu sách in tại 4 nhà in ở TP.HCM, đơn vị này không dám in ở phía Bắc do lo lắng sách giả, in nối bản, nhưng vẫn không giải quyết được nạn sách giả.
Sách lậu bán tràn lan, có bộ sách nhà xuất bản này bán giá 1,5 triệu đồng thì ngoài thị trường sách lậu chỉ rao bán 300.000 đồng. Bán sách lậu lợi nhuận cao nên các nhà sách biết sách lậu, sách giả vẫn bán. Người mua có khi cũng biết rõ là sách lậu nhưng vì rẻ nên vẫn mua.
Còn nhân viên nhà xuất bản thì nhiều khi nhìn vào tem chống sách giả cũng không biết tem giả hay tem thật, bạn đọc càng khó biết.
Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng thì than trời về tình trạng người đọc biết thừa sách lậu vẫn mua và đặt câu hỏi có bao nhiêu phần trăm bạn đọc sẵn sàng rút thiết bị di động thông minh ra để quét mã QR kiểm tra sách thật hay giả?
Con số này theo chia sẻ của TS Nguyễn Đăng Quang - nguyên phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục - là chỉ có 3% người đọc Việt Nam sẵn sàng cào tem để nhận biết sách thật, sách giả.
"Ai cũng muốn kiểm tra những mặt hàng tiêu dùng là hàng thật hay hàng giả trước khi mua. Nhưng lại không bận tâm kiểm tra cuốn sách họ sắp mua là thật hay giả bởi chất lượng của sách thật và giả ít chênh lệch mà sách giả lại rẻ hơn" - ông Quang giải thích về sự thờ ơ của người đọc Việt Nam với việc đấu tranh với sách giả.
Một kho sách nghi sách lậu tại Hà Nội khi cơ quan chức năng vào kiểm tra tháng 7-2021 - Ảnh: HÀ QUÂN
Tem chống hàng giả sẽ không thể bị làm giả nữa?
Ông Nguyễn Nguyên khẳng định đây thực sự là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản và cả xã hội bởi việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mà nó còn làm méo mó thị trường, khiến cho những người làm sách, viết sách mất đi động lực, đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản.
Theo ông Nguyên, giải pháp cho vấn nạn trên, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thì việc ứng dụng công nghệ nhằm phân biệt sách thật, sách giả và chống in lậu rất quan trọng.
Tại buổi hội thảo, một số doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tem điện tử như một giải pháp hữu hiệu chống sách giả, sách lậu hiện nay.
So với tem vật lý truyền thống, các loại tem điện tử này được giới thiệu là có hiệu quả chống sách giả cao hơn vì nó chống được việc làm giả tem và cung cấp công cụ tiện ích để kích thích người dùng "chăm" kiểm tra trên tem để biết sách thật, giả.
Ông Nguyên khẳng định sẽ không một lực lượng chức năng nào đủ nhân lực để có thể phát hiện sách lậu mà phải dựa vào "sức dân", nhờ dân kiểm tra, giám sát. Nếu loại tem nào giúp thuận tiện cho việc phát hiện sách lậu của bạn đọc thì sẽ góp sức rất lớn chống sách lậu.
TTO - Làm sách giả, sách lậu thu lợi hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng hình phạt chỉ vài chục triệu đồng; nhà sách bị làm lậu sách nhưng lại bị xử thua kiện trước kẻ in lậu sách, lại có đơn vị tự làm lậu sách của chính mình…