Bà Nguyễn Thị Hương, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ (phải) - trao quà hỗ trợ cho bạn Bùi Thiên Trúc - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trước mất mát đau thương, khó khăn và hoạn nạn, nhiều bạn nhỏ là học sinh ở khắp TP.HCM đã mạnh mẽ chọn cách không lùi bước... Tin vào một tương lai tươi sáng là cách để các em vững bước trước gian nan.
Các em hãy tin rằng sẽ không ai đơn độc trên hành trình, phía sau các em luôn có chúng tôi, có xã hội sẵn sàng nâng đỡ.
Ông Nguyễn Công Thái (giám đốc Công ty TNHH Ứng dụng khoa học giáo dục khởi nghiệp)
Tự hào về mẹ cha
Bạn Bùi Thiên Trúc, học sinh lớp 12C Trường THPT Bình Chiểu (TP Thủ Đức), vốn có một gia đình đầm ấm, đủ đầy mẹ cha. Nhưng ngày dịch COVID-19 ập tới xóm nghèo, cha của Trúc - ông Bùi Văn Tiến - phải tạm gác lại công việc chạy xe để tham gia phòng chống dịch.
Với vai trò là tổ trưởng tổ dân phố, tham gia trực tiếp vào nhiều công việc chống dịch tại địa phương khiến ông Tiến không may trở thành F0 và phải đi cách ly điều trị. Sau đó một ngày, mẹ của Trúc cũng bị lây nhiễm. "Lúc đi chữa bệnh thì mẹ vẫn khỏe, nhưng chỉ đúng 7 ngày sau, bệnh viện báo mẹ đã không qua khỏi", Trúc khóc nấc.
Trước nỗi đau mất vợ, ông Tiến luôn tự trách mình khi không thể chăm lo, bảo vệ cho vợ con, gia đình tốt hơn. Còn Trúc, em tâm sự dù mất mát lần này là quá lớn nhưng vẫn luôn tự hào về công việc cha.
"Mình tự hào về cha vì biết trong thời gian dịch những cô chú làm tổ dân phố chính là cầu nối quan trọng để hỗ trợ người dân. Nếu mình là cha thì cũng sẽ chọn cách đứng ra giúp đỡ mọi người", Trúc thủ thỉ.
Khi được hỏi về tương lai của mình, Trúc nói rằng việc trở thành một đầu bếp giỏi luôn là ước mơ của em và cũng là mong ước của mẹ. Đan chặt hai bàn tay vào nhau để tìm chút hơi ấm, em chia sẻ:
"Mẹ thích em theo học làm đầu bếp lắm. Mẹ nói con gái học đầu bếp sẽ ổn định, được mọi người tôn trọng, yêu thương. Ngày mẹ mất mình đã tự hứa với lòng bằng mọi giá sẽ hoàn thành tâm nguyện này của mẹ".
Ước mơ của Nhã
Trong căn nhà loang lổ, ẩm thấp, nước mắt của Lê Trần Thanh Nhã (học sinh lớp 11B2 THPT Lê Minh Xuân) chảy thành dòng.
Hễ ai đó thoáng nhắc về mẹ là Nhã khóc. Nhã được sinh ra trong một gia đình nghèo của huyện Bình Chánh (TP.HCM), cha mẹ bạn sống bằng nghề lao động tự do. Vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa em trai của Nhã được gửi nhờ vào chùa để tiện việc ăn học.
Cả gia đình phải chật vật lắm mới trụ qua được đợt dịch hồi đầu tháng 4. Thế nhưng, trong đợt dịch hồi tháng 8 vừa rồi, cả 5 người trong gia đình (cùng bà ngoại) đều không may dương tính với COVID-19. "Mình ghét COVID, nó đã cướp mẹ của mình đi mãi mãi", Nhã òa khóc. Dòng nước mắt trước nỗi đau mồ côi mẹ cứ thế trào ra.
Sau những dòng nước mắt thì sự mạnh mẽ, gan dạ lại là điều mà ai ngồi đối diện Nhã cũng sẽ đều nhìn ra. Bạn nói rằng đã tự hứa lòng chỉ khi thực sự quá nhớ mẹ mới cho phép bản thân được khóc. "Mình không muốn ba, bà ngoại thêm đau lòng khi thấy mình khóc", Nhã lý giải.
Nhã học rất giỏi môn tiếng Anh. Trước khi có dịch, Nhã thường hay đi kèm tiếng Anh cho các học sinh tiểu học. Trừ tiền đi lại, ăn uống thì bạn cũng kiếm về cho mình được khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Trong 1 triệu đồng đó, Nhã chia thành nhiều khoản.
Một khoản lớn Nhã dành đưa cho bà ngoại để lo tiền ăn trong gia đình, tiền thuốc cho bà. Khoản nhỏ gửi cho em trai. Phần ít còn lại em để mua sách tiếng Anh học, và phòng khi ốm đau, hư xe giữa chừng còn dùng đến. "Nhưng hơn 5 tháng qua mình chưa dạy được bữa nào. Có đi dạy thì mới có tiền, có thêm kinh nghiệm cho sau này", Nhã cười.
Chính từ những buổi dạy thêm đã thắp lên trong Nhã ước mơ mãnh liệt được theo học ngành sư phạm, được trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh. Không biết trước ngày mai sẽ ra sao, nhưng giờ đây giấc mơ đó chính là lối sáng cho Nhã không gục ngã.
Cứ thế, trong những giây phút đớn đau và bi quan nhất của cuộc đời, việc học vẫn luôn thôi thúc họ tin vào một tương lai tươi mới hơn.
Thiên Trúc, Thanh Nhã là hai trong tổng số 400 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha, mẹ vừa được chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 525 của báo Tuổi Trẻ trao tặng học bổng trong đợt này.
Mỗi học bổng trị giá 3 triệu đồng (gồm 2,5 triệu đồng tiền mặt và 1 suất mua đồ dùng học tập trị giá 500.000 đồng). Tổng kinh phí học bổng hơn 1,2 tỉ đồng từ nguồn ủng hộ của Công ty CP GREENFEED Việt Nam hỗ trợ 1 tỉ đồng, Công ty TNHH Sahaja Yoga Việt Nam 200 triệu đồng và bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Bên cạnh đó, Công ty CP GREENFEED Việt Nam còn tặng mỗi học sinh túi quà thực phẩm G.Kitchen trị giá 135.000 đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Ứng dụng khoa học giáo dục khởi nghiệp còn tặng thiết bị học tập cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn để giúp các em học trực tuyến tốt hơn với tổng kinh phí 600 triệu đồng.
TTO - Biết tin cả hai cùng đậu đại học, đôi bạn Phạm Hoàng Anh và Châu Thủy mừng reo, nhưng phía sau là nỗi lo dài mà cả hai đang phải đối mặt.
Xem thêm: mth.25871259152011202-ial-gnout-oav-nit/nv.ertiout