Tuần này sẽ có hướng dẫn
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh thành, đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, từng bước mở rộng tiêm cho người dưới 18 tuổi.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 21-10, bộ này đã phân bổ 97 triệu liều vắc xin cho các địa phương và đã tiêm chủng (đến 25-10) là 74,35 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên, nhiều tỉnh thành đã phân bổ đủ vắc xin bao phủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi.
Tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi tại một điểm tiêm ở TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.
Tiêm vắc xin cho trẻ 12 - 17 tuổi ra sao?
Hiện có ít nhất 4 tỉnh thành đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi, mặc dù số lượng trẻ được tiêm mới ở diện rất hạn chế. Từ ngày 14-10, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ nhưng không công bố tiêm vắc xin gì, liều dùng như thế nào.
Đến ngày 25-10, Bộ Y tế lại có công văn gửi các địa phương yêu cầu sớm hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi, tiến tới mở rộng tiêm chủng cho độ tuổi 12 - 17.
Với độ tuổi 12 - 17, Bộ Y tế cho biết việc tiêm chủng sẽ thực hiện theo hướng dẫn ngày 14-10 của Bộ Y tế, căn cứ vào tình hình dịch, điều kiện của địa phương, nguồn vắc xin…
Tuy nhiên, đến nay điều mà các bậc cha mẹ rất quan tâm là con họ sẽ được tiêm loại vắc xin ngừa COVID-19 nào thì hướng dẫn ngày 14-10 lại không nói rõ, chỉ hướng dẫn "là loại vắc xin có chỉ định sử dụng cho trẻ 12 - 17 tuổi". Sự không rõ ràng này gây lo lắng cho các phụ huynh.
Các nơi triển khai tiêm "chính thống" thì đang đợi Bộ Y tế, nhưng "âm thầm" thì đã có ít nhất 4 tỉnh thành tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi với số lượng nhỏ.
Hướng dẫn cụ thể về loại vắc xin, liều tiêm, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm, theo thông tin riêng của Tuổi Trẻ, sẽ do Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia xây dựng và trình Bộ Y tế ký ban hành trong tuần này. Cụ thể, vắc xin sử dụng là Pfizer, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 21 ngày, liều dùng cho trẻ 12 - 17 tuổi sẽ tương tự như liều dùng cho người lớn.
Tiêm vắc xin không ảnh hưởng đến gene?
Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều, các bậc cha mẹ lo khi tiêm vắc xin cho nhóm trẻ đang tuổi phát triển có thể ảnh hưởng đến sinh sản về sau hoặc ảnh hưởng đến gene.
Trả lời Tuổi Trẻ, một chuyên gia rất nhiều kinh nghiệm về tiêm chủng mở rộng khẳng định không ảnh hưởng. Theo chuyên gia này, vắc xin không tích hợp vào nhân của tế bào mà chỉ tác động đến phần ngoài tế bào, không ảnh hưởng bộ gene của người.
Mặt khác, không phải tế bào nào vắc xin cũng "chui vào", mà chỉ chui vào một số tế bào chuyên biệt là tế bào miễn dịch, đây là loại tế bào sẽ tự hủy sau một thời gian và xuất hiện loạt tế bào mới. Đã có nhiều quốc gia triển khai tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi, thậm chí ở lứa tuổi thấp hơn.
Thời gian chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ đã gần kề. Có ý kiến cho rằng với số lượng trẻ hiện có và khả năng tiêm chủng hiện nay của các cơ sở y tế, chỉ hơn 1 tuần là hoàn tất tiêm cho 8,1 triệu trẻ 12 - 17 tuổi. Bộ Y tế cần sớm thông báo rõ ràng để gia đình và trẻ không quá lo lắng trước chiến dịch lớn, chuẩn bị cho trẻ trở lại trường học.
LAN ANH
Sở Y tế TP.HCM đề nghị dùng vắc xin Pfizer
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn loại vắc xin sử dụng để tiêm cho trẻ, chưa có hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn, Sở Y tế TP đã đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng loại vắc xin của Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.
T.DƯƠNG
Xem thêm: mth.27394859062011202-yuh-ihc-gnot-al-nac-et-y-ob-me-ert-ohc-nix-cav-meit/nv.ertiout