Ảnh minh họa UUV Poseidon của Nga - ngư lôi ngày tận thế - Ảnh: Shutterstock
Hiệp ước đã được sửa đổi và gia hạn chín lần với lần gia hạn gần nhất kéo dài đến cuối năm 2024.
LDUUV là một trong các chương trình thử nghiệm nguyên mẫu tàu ngầm không người lái quy mô lớn có khả năng thay đổi lĩnh vực tàu ngầm.
Báo cáo tháng 12-2020 của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ
Biệt đội tàu ngầm không người lái
63 năm sau, Úc là quốc gia thứ hai được Mỹ chia sẻ công nghệ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngày 15-9-2021, Mỹ, Anh và Úc đã công bố hiệp ước an ninh chiến lược AUKUS ghi nhận ba bên sẽ mở rộng hợp tác về năng lực quốc phòng và công nghệ trọng điểm.
Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney (Úc) ghi nhận với thỏa thuận AUKUS, Úc muốn phát triển tàu ngầm hạt nhân cùng với tàu ngầm lớn không người lái.
Trong tương lai, tàu ngầm sẽ ngày càng tự động hóa ở mức độ cao hơn, có thể chở số lượng thủy thủ ít hơn nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc tiến đến giai đoạn triển khai thêm tàu ngầm không người lái.
Tàu ngầm không người lái (UUV được kiểm soát từ xa) và tàu ngầm không người lái tự hành (AUV) sẽ gia tăng sức mạnh đáng kể cho binh chủng tàu ngầm và định hình hoạt động tác chiến dưới biển trong tương lai.
UUV có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo, đặt mìn, rà quét các vùng biển xung quanh để phát hiện tàu lạ.
Do không chở theo người nên UUV có kích thước nhỏ hơn tàu ngầm, có khả năng hoạt động độc lập, hoạt động dưới biển gần như vô thời hạn để bí mật chuyển dữ liệu thu thập được về bộ chỉ huy. UUV có thể hoạt động ở độ sâu lớn hơn vì tàu được chế tạo để chịu được áp suất ở vùng biển rất sâu.
Một khi trang bị UUV/AUV, tàu ngầm có thể thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ ở cách xa tàu ngầm tại nhiều vị trí khác nhau. Ví dụ một tàu ngầm triển khai ở Biển Đông đang thực hiện nhiệm vụ giám sát có thể sử dụng thêm một UUV/AUV phụ trách trinh sát ngoài khơi và một UUV/AUV khác giám sát giao thông trên biển.
Cuối tháng 7-2021, phó đô đốc Ashok Kumar - phó tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ - cho biết hải quân Ấn Độ đã phê duyệt "lộ trình không người lái" để khai thác tiềm năng các công nghệ và nền tảng không người lái.
Ông đưa ra bốn loại tàu ngầm không người lái cần thiết cho Ấn Độ gồm AUV loại nhỏ xách tay hoạt động theo nhóm từ 10-20 tiếng, AUV hạng nhẹ tương thích với ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm với thời gian hoạt động 2 ngày, AUV hạng nặng tương thích với các ống phóng hạng nặng có thể hoạt động từ 3-4 ngày và AUV có độ bền cao với khả năng lặn ít nhất 15 ngày dưới biển.
Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã từng sử dụng UUV để cắt giảm nhu cầu sử dụng tàu rà quét mìn. Đô đốc Karambir Singh, tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, đánh giá một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hải quân Ấn Độ chính là nhận biết khu vực dưới mặt biển (UDA).
Ông giải thích: "Mỹ đã đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực này và đã giới thiệu có mức độ một số công nghệ và hệ thống mà chúng tôi mong muốn theo đuổi".
Từ năm 2004, hải quân Mỹ đã lập kế hoạch định hướng phát triển các phương tiện không người lái dưới biển của hải quân (bản cập nhật của tài liệu năm 2000).
Kế hoạch đã xác định 9 khả năng của UUV gồm tình báo, giám sát và trinh sát (ISR); chống mìn; chống tàu ngầm (ASW); kiểm tra/nhận dạng; nghiên cứu hải dương học; liên lạc/điều hướng nút mạng; điều phối trọng tải; hoạt động thông tin và tấn công nguy cấp. Kế hoạch này giữ vai trò là bảng thiết kế cho công tác phát triển UUV và AUV dài hạn của hải quân.
Năm 2015, hải quân Mỹ đã thử nghiệm UUV Remus 600 phóng từ tàu ngầm lớp Virginia. Hai năm sau, hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế biệt đội số 1 UUV (UUVRON-1).
Biệt đội hải quân đầu tiên gồm toàn UUV này đặc biệt hữu ích trong các nhiệm vụ quá nguy hiểm cho người hoặc các nhiệm vụ thường xuyên hằng ngày nhưng quan trọng như công tác giám sát. Biệt đội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ như rà phá bom mìn, giám sát và lập bản đồ đáy đại dương.
Tàu ngầm hạt nhân USS North Dakota (SSN-784) lớp Virginia phóng và thu hồi UUV REMUS 600 năm 2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ
UUV cực lớn và UUV mang đầu đạn hạt nhân
UUV mới nhất trên thế giới là tàu ngầm không người lái cực lớn (XLUUV) Orca do Hãng Boeing sản xuất. Orca được phát triển dựa theo XLUUV thử nghiệm Echo Voyager dài 26m, nặng 50 tấn, có tầm hoạt động 6.500 hải lý. Echo Voyager có một khoang chở đủ thứ, từ vũ khí như ngư lôi, mìn cho đến thiết bị và vật tư trinh sát.
Ngoài ra còn có tàu ngầm không người lái có độ dịch chuyển lớn (LDUUV) Snakehead. Snakehead được phóng từ đất liền mang nhiều cảm biến hiện đại được thiết kế cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát, đối phó bom mìn, có thể hoạt động hơn 70 ngày ngoài biển. Snakehead hoạt động hoàn toàn tự hành với độ bền cao.
Không chỉ hải quân Mỹ, lực lượng hải quân các quốc gia khác không chịu thua kém trong lĩnh vực phát triển UUV. Báo Izvestia (Nga) ngày 7-9 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga đã phê duyệt kế hoạch thử nghiệm UUV Klavesin-2R-PM ở vùng Viễn Đông sau lần thử nghiệm UUV này tại Crimea. Klavesin-2R-PM do Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin (CDB ME Rubin) thiết kế thuộc thế hệ thứ hai trong dòng UUV Nga.
Klavesin-2R-PM lớn hơn Klavesin-1, trông giống như chiếc tàu ngầm thu nhỏ có kích thước dài 7m, đường kính 1m với một cấu trúc nhỏ bên trên. Klavesin-2R-PM được phóng đi từ tàu thủy văn Marshal Gelovani thuộc hạm đội Thái Bình Dương, có thể chở theo một lượng lớn thiết bị như sonar, cảm biến điện từ và máy quay video.
Nó nặng khoảng 4 tấn, có thể lặn đến độ sâu 6.000m, hoạt động trong phạm vi 50km. Sau khi rời khỏi tàu mẹ, UUV này sẽ tiếp tục hoạt động theo chương trình, tuy nhiên tàu mẹ vẫn có thể giao thêm nhiệm vụ mới khi cần thiết.
Nga đang thử nghiệm một UUV chiến lược mang tên Poseidon vốn được gọi là "ngư lôi ngày tận thế". UUV Poseidon hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, trang bị vũ khí thông thường hoặc có thể mang đầu đạn hạt nhân, có chức năng tấn công nhiều mục tiêu chiến lược như tàu sân bay, công sự ven biển, cơ sở hạ tầng của đối phương.
Poseidon được phát triển từ năm 1989, sau đó bị đình trệ một thời gian sau khi Liên Xô tan rã rồi tiếp tục được nghiên cứu trở lại.
Hình ảnh Poseidon xuất hiện lần đầu tiên trên truyền hình Nga vào năm 2015. Nga bắt đầu thử nghiệm Poseidon từ năm 2016 với thời gian thử nghiệm dự kiến kéo dài đến cuối năm 2021. UUV này chính thức mang tên Poseidon vào năm 2018 sau khi được gọi bằng nhiều tên gọi khác như Kanyon hay Status-6.
Poseidon dài 25m, đường kính 1,5m, nặng khoảng 100 tấn, có khả năng lặn ở độ sâu lớn đến 1.000m nên khó bị đánh chặn, đồng thời có thể hoạt động tầm xa liên lục địa (10.000km) và đạt vận tốc lớn hơn nhiều so với hầu hết các tàu ngầm và ngư lôi hiện đại (200km/h).
Tàu ngầm hạt nhân Belgorod (dự án 09852) vốn là tàu ngầm phóng tên lửa hành trình đã được chuyển đổi thành tàu ngầm đặc biệt đầu tiên dùng để phóng và thu hồi Poseidon. Tàu ngầm Belgorod hạ thủy năm 2019 có thể chở đến 6 UUV Poseidon.
Hải quân Nga cũng đã đặt hàng 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Khabarovsk. Mỗi tàu ngầm chở theo 6 UUV Poseidon.
Ngoài tàu ngầm không người lái, hải quân Mỹ còn phát triển và thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) phóng từ tàu ngầm.
Ví dụ UAV Switchblade do Hãng AeroVironment sản xuất chạy bằng pin mang đầu đạn nổ hoặc thiết bị ISR đã được tàu ngầm Mỹ phóng thành công khi tàu ngầm đang ở độ sâu nhô kính tiềm vọng.
Năm 2013, phòng thí nghiệm nghiên cứu hải quân Mỹ đã phóng thành công UAV Sea Robin XFC từ một tàu ngầm đang lặn.
TTO - Ngày 4-10-2021, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lần đầu tiên tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk từ độ sâu 40m dưới Bạch Hải đã phóng thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình siêu thanh Zircon trúng mục tiêu trên biển Barents ở miền Bắc nước Nga.