Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của lao động nhập cư, lực lượng công nhân, nhiều hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh đã tự xây dựng nhà ở cho thuê tuy nhiên vẫn chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu nhà ở đang thường xuyên tăng cao tại thành phố.
Vì thế để có phương án triển khai xây dựng nhà thuê trọ, nhà ở phục vụ công nhân, người lao động, bổ sung chính sách hỗ trợ cho chủ nhà trọ và người thuê nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng chỗ ở, góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn "bình thường mới", UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng thành phố kiểm tra, rà soát thực trạng xây dựng nhà ở cho các đối tượng nói trên.
Để đảm bảo việc kiểm tra, rà soát hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố ban hành kế hoạch và chủ trì, triển khai, quán triệt Kế hoạch kiểm tra đến Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, Chủ tịch UBND các quận huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đồng thời đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND Thành phố giao Công an Thành phố chỉ đạo Công an thành phố Thủ Đức và các quận huyện phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm tra, hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến tình hình quản lý nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 34.670 căn nhà trọ, 330.174 phòng trọ với tổng diện tích sàn xây dựng gần 5,6 triệu m2 do người dân tự xây. Trong khi đó, theo Đề án "Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030": Do nhu cầu nhà ở thường xuyên tăng cao, hiện thành phố vẫn đang thiếu nguồn cung loại hình nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân, văn phòng kết hợp lưu trú.
Vì vậy định hướng phát triển nhà ở của tành phố trong giai đoạn 2021 – 2030 là tiếp tục phát triển nhà ở hộ gia đình dân tự xây, phát triển nhà ở tập trung, tăng mạnh tại các quận nội thành phát triển, các huyện ngoại thành và giảm dần tại khu vực nội thành trung tâm.
Dự báo giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu nhà ở thấp tầng (bao gồm nhà ở trong dự án và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình) khoảng 89 triệu m2 sàn, tuy nhiên khả năng tự xây dựng của người dân chỉ ở khoảng 381.000 căn với tổng diện tích hơn 59 triệu m2.
VTV.vn - Đây là kiến nghị vừa được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gửi tới Chính phủ nhằm giải quyết những khó khăn và thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho công nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!