Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) mà Việt Nam là thành viên, về phần bảo vệ sở hữu trí tuệ có yêu cầu rất cao về bảo vệ nhãn hiệu. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) hiện hành lại đưa tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226) vào nhóm tội danh chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại.
Vậy nên, trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS lần này, ngoài phần chính là tăng thẩm quyền giải quyết tin báo tố giác tội phạm cho công an xã, Chính phủ cũng đề nghị bãi bỏ phần liệt kê dẫn chiếu tới Điều 226 BLHS để tương thích với CPTPP - sẽ có hiệu lực vào 14-1-2022 tới.
Rộng hơn cả CPTPP
Vấn đề là, phạm vi sửa đổi như dự thảo đang có phần rộng hơn yêu cầu của CPTPP: bỏ điều kiện khởi tố khi có yêu cầu của bị hại không chỉ với hành vi xâm phạm về nhãn hiệu mà cả với hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý.
Thảo luận tại Quốc hội ngày 25-10, ĐB Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) thống nhất với hướng sửa đổi này, nhằm bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, địa phương.
Theo ĐB Tâm từ khi BLTTHS có hiệu lực đến nay mới chỉ có 9 vụ án được khởi tố theo yêu cầu khởi tố của bị hại về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, còn về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý thì chưa có vụ án nào được điều tra. Con số khiêm tốn ấy rõ ràng chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) lại cho rằng phạm vi sửa đổi như dự thảo là rộng so với yêu cầu của CPTPP. "Quy định hiện hành về xử lý hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý không có vướng mắc gì. Do đó, chỉ nên sửa phần liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy là phù hợp với nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - ĐB An nói.
ĐB Đoàn Thị Lê An nói việc quy định mở hơn cam kết của CPTPP có thể dẫn đến "hình sự hóa" các hành vi dân sự. Ảnh: QH
CPTPP không cấm thì cứ làm
Trong khi đó, một số ý kiến, chẳng hạn như ĐB Phan Thái Bình cho rằng sửa đổi như dự thảo không trái với cam kết của Việt Nam trong CPTPP.
Theo ĐBQH tỉnh Quảng Nam này, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều là sản phẩm trí tuệ, là đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đều có tính cách tương đồng về mức độ nguy hiểm như nhau.
“Tôi cho rằng áp dụng cơ chế bảo vệ chung cho cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Mặt khác, sửa đổi như dự thảo không làm mất đi quyền của người bị hại. Quyền bị hại được bảo vệ cao hơn, không ảnh hưởng gì” - ĐB Bình nói.
Cũng theo hướng này, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) cho rằng việc bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý không trái với các quy định của pháp luật, phù hợp với thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói sửa BLTTHS rộng hơn CPTPP để thể hiện Việt Nam coi trọng sở hữu trí tuệ và để thu hút đầu tư. Ảnh: QH
Trước các ý kiến đã chiều của ĐBQH, đại diện cơ quan soạn, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, theo CPTPP, vấn đề chỉ đẫn địa lý có thể được bảo hộ bằng biện pháp pháp lý khác. Tuy nhiên không vì vậy mà không thể tăng cường hơn biện pháp hình sự. Khi tham gia CPTPP, Việt Nam không loại trừ gì về yêu cầu liên quan đến bảo vệ chỉ dẫn địa lý. Do vậy, việc sửa đổi như dự thảo không bị ảnh hưởng gì, chưa kể như thế sẽ đảm bảo hơn yêu cầu về kỹ thuật lập pháp.
Vẫn theo ông Trí, việc xâm phạm quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý không chỉ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền mà còn xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bởi vậy, nếu hạn chế thẩm quyền khởi tố điều tra bằng điều kiện phải có yêu cầu khởi tố của bị hại thì lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến cho đến thời điểm này, chưa có vụ án nào về xâm phạm sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý được khởi tố.
Thể hiện Việt Nam coi trọng sở hữu trí tuệ Hiện nay và sau này thì việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng nên việc mở rộng hơn so với yêu cầu của CPTPP cũng thể hiện việc Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi và an toàn thu hút đầu tư. Trong lúc này, chúng ta hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để sửa đổi cả bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu. Nếu không làm mà chỉ bảo hộ nhãn hiệu thì khi cần bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trong hiện tại và tương lai thì không chủ động. Vì sửa luật thì không phải lúc nào chúng ta cũng làm được ngay. VKSND Tối cao đề nghị các đại biểu cân nhắc ủng hộ cho phương án sửa đổi luật lần này có bảo hộ cả hai nội dung nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí |