Một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu sức khỏe và Đại học Montpellier, Pháp chỉ ra rằng, duy trì một chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học ở độ tuổi trung niên có liên quan đến phát triển vùng hồi hải mã (của não bộ) những năm sau đó, có thể bảo vệ chống lại bệnh tâm thần, suy giảm nhận thức.
Brightside đã chỉ ra một số sai lầm trong chế độ ăn uống, sinh hoạt khiến cho bạn rơi vào tình trạng "não cá vàng" (cụm từ thường được dùng để chỉ những người đãng trí, bảo trước quên sau), gây ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại bởi những lúc nhớ quên thất thường.
Trí nhớ giảm sút do thiếu ngủ thường xuyên
Các nhà khoa học thuộc Đại học California tại Berkeley đã tìm ra bằng chứng thuyết phục rằng việc thiếu ngủ thường xuyên có thể làm giảm sút trí nhớ trầm trọng và gây ra bệnh Alzheimer. Khi ngủ đủ giấc ban đêm, tế bào não sẽ loại bỏ các hợp chất độc hại nguy hiểm cho bộ não của chúng ta. Nếu bạn không bao giờ ngủ đủ giấc, bộ não của họ sẽ bị tàn phá theo thời gian. Theo Hiệp hội Lão khoa Mỹ, ngủ ít hơn 5 giờ hoặc nhiều hơn 10 giờ một đêm có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và tử vong sớm.
Suy giảm trí nhớ do căng thẳng kéo dài
Những cơn căng thẳng kéo dài sẽ khiến bạn bị suy giảm trí nhớ ảnh hưởng tới quá trình học tập và làm việc, đồng thời gia tăng cảm giác lo âu, mất tập trung. Nghiên cứu cho thấy khi bị căng thẳng tấn công, trong bộ não xảy ra những thay đổi đáng kể. Đây có thể là lý do giải thích tại sao những người thông minh đột nhiên làm những điều ngớ ngẩn khi bị căng thẳng.
Ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng khẩu phần ăn chứa chất béo và cholesterol cao có liên quan chặt chẽ đến tổn thương của hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân là do lượng mỡ tích tụ dần vào thành mạch, những khẩu phần ăn chứa cholesterol có thể hạn chế oxy lên não, lâu dài sẽ gây tổn thương các nơ-ron thần kinh, làm giảm trí nhớ.
Suy giảm trí nhớ có thể do ăn quá nhiều đường
Một chế độ ăn uống nhiều đường không chỉ khiến bạn tăng cân nhanh chóng mà còn làm giảm khả năng học hỏi, ghi nhớ thông tin và sự tập trung. Nghiên cứu chỉ ra rằng lượng đường trong máu cao sẽ có liên quan đến một vùng đồi thị nhỏ hơn, phá hủy các kết nối thần kinh tới khu vực của não bộ sử dụng để ghi nhớ các sự kiện.
Ăn nhiều đường có thể gây suy giảm trí nhớ. Ảnh: Group Yêu Bếp
Các nhà khoa học còn nhấn mạnh, đường sản xuất công nghiệp có trong nước giải khát, gia vị, nước sốt và đồ ăn trẻ em gây hại nhiều hơn. Trong khi đó, họ tin rằng các acid béo omega 3 có trong quả óc chó, cá hồi, hạt lanh và đậu tương có thể ngăn chặn chứng bệnh này.
Suy giảm trí nhớ do rượu, bia và thức uống có cồn
Rượu bia và các đồ uống có cồn là kẻ thù số một của bộ não bởi thành phần các chất kích thích và gây nghiện có trong rượu bia khi bị tích tụ lâu ngày có thể ức chế hoặc tê liệt hoạt động của các tế bào não.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, người nghiện rượu thường có khả năng ghi nhớ kém hơn hẳn so với người không sử dụng loại đồ uống này. Bên cạnh đó, người uống nhiều rượu, bia, thức uống còn cồn thường bị thiêu vitamin B1, dẫn tới chứng rối loạn não và có thể phsat triển thành hội chứng Korsakoff dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho não (gây mất trí nhớ, rối loạn thị lực, nhầm lẫn và thần kinh không ổn định).
Theo tiến sĩ Felice Jacka, giám đốc Trung tâm thực phẩm và tâm thần Đại học Deakin, Úc, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ duy trì sức khỏe não bộ. Theo đó bạn nên ăn bữa ăn giàu rau, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, khoai, cà rốt... và chất béo omega-3, axit béo chuỗi dài không bão hòa; hạn chế nước uống ngọt, thịt đỏ và thịt chế biến, chất béo trans và các thực phẩm nhiều muối, ngoài ra dung nạp lượng rượu bia ít. |