Nhiều đề xuất hỗ trợ người lao động gần Tết Nguyên đán - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo tờ trình chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 vừa được Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất lên Chính phủ, sẽ có 4 chương trình thành phần đi kèm là những giải pháp thực hiện cụ thể nhằm thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
Các giải pháp này thực hiện theo thứ tự ưu tiên với hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn mở cửa và ổn định (nửa đầu năm 2022), tập trung bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và chuẩn bị đầu tư công.
Giai đoạn 2 là từ nửa cuối năm 2022, có thể kéo dài sau năm 2023, sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư xã hội để tạo động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800 nghìn tỉ đồng. Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ, giải ngân của từng chương trình thành phần từ các nguồn như: nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; thực hiện cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi, nguồn vay các định chế tài chính quốc tế...
Sau khi lấy ý kiến, chương trình phục hồi sẽ có 4 chương trình thành phần gồm:
Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đặt mục tiêu trọng tâm là mở cửa lại nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Trong giai đoạn này, các nhiệm vụ, giải pháp tập trung ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới như chuẩn bị sẵn sàng cơ số vắc xin, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, xét nghiệm và thuốc điều trị cho người dân trong năm 2022, triển khai áp dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào kiểm soát dịch bệnh.
Chương trình an sinh xã hội và việc làm: mục tiêu trọng tâm là bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, các đối tượng xã hội sớm vượt qua khó khăn.
Đáng chú ý, để hỗ trợ an sinh xã hội, bộ này đề xuất hỗ trợ một lần người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do trên cả nước, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người, thực hiện ngay tháng 1-2022 để góp phần kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến số người sẽ hỗ trợ là 10,6 triệu người, kinh phí dự kiến là 21.200 tỉ đồng.
Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mục tiêu trọng tâm là giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển: mục tiêu trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa,
Bộ Kế hoạch - đầu tư đánh giá chương trình này có quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn cũng như huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực...
Chương trình cũng xác định ba nhóm giải pháp quản trị rủi ro về cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, những rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và về thông tin, tuyên truyền.
Việc huy động các nguồn lực thực hiện chương trình có thể làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, đồng thời bỏ lỡ các cơ hội mới, từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm "Đổi mới", nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.
TTO - Sau thời gian gián đoạn vì dịch, nhiều địa phương đã bắt đầu nối lại liên kết du lịch để hồi phục hoạt động, cũng như chủ động quảng bá những điểm đến an toàn, giúp người dân yên tâm lên đường.