Maximilien Badier Rosenthal giao lưu với khán giả tại ICI Vietnam Festival - Ảnh: HẠ LIAN
Khai mạc lần đầu tiên năm 2018 từ khởi xướng của Hội người Việt Nam tại Pháp, và sau ba năm hoạt động, ICI Vietnam Festival đã khẳng định chỗ đứng của mình là nơi gặp gỡ của những người làm điện ảnh gốc Việt trên thế giới.
Năm nay, lời giới thiệu danh sách 15 phim được chiếu của ban tổ chức đã nêu rõ tinh thần cốt lõi của Festival là "Khám phá nhiều khía cạnh của nền văn hóa không biên giới, tập hợp khán giả quan tâm đến sự pha trộn văn hóa. Các buổi chiếu là cơ hội khám phá tâm hồn, văn hóa, du lịch thị giác và gặp gỡ, trao đổi với các đạo diễn".
Các phim tham dự năm nay - trong đó có 5 phim sản xuất ở Việt Nam - đều lý thú, dạt dào cảm xúc dù chất lượng, quy mô đầu tư có khác nhau.
Trong số đó có hai phim gây ấn tượng mạnh vì phong cách đối lập. Nếu No crying at the dinner table - Không khóc trên bàn ăn của Carol Nguyen ở Canada là tác phẩm tài liệu tối giản, thì Malabar của Maximilien Badier Rosenthal ở Pháp là "bonsai" hoàn hảo của phim truyện chuyên nghiệp.
"No crying at the dinner table" - Không khóc trên bàn ăn của Carol Nguyen nhận nhiều giải thưởng ở Canada vì sự sâu sắc, thông minh, độc đáo - Ảnh: The NewYorker
Không khóc trên bàn ăn là câu chuyện của ba thành viên gia đình - ba, mẹ, con gái - nghe lại trả lời phỏng vấn với tâm trạng ray rứt của chính mình. Qua đó mỗi người có một tâm tư riêng, không ăn nhập/ kết nối với nhau! Màn ảnh hầu như chỉ một góc quay cố định, hướng thẳng về ba nhân vật, và tiếng nói của chính họ phát ra từ chiếc máy thu băng ở tiền cảnh.
Mười lăm phút, cực tối giản nhưng chân thật và đầy cảm xúc, phim đã nhận được nhiều giải thưởng ở Canada vì sự sâu sắc, thông minh, độc đáo.
Trong Malabar, những con người chung số phận nghèo khổ đã tìm được sự cảm thông ấm áp - Ảnh: UniFrance
Có mẹ là người Việt Nam, các phim của Badier Rosenthal đều mang yếu tố Việt. Malabar (tên một loại kẹo dẻo Pháp) là phim truyện thứ hai của anh sau phim Ông ngoại chiếu ở ICI Vietnam lần thứ nhất.
Cố ý thể hiện cuộc sống ngoại ô tiêu biểu trong các thành phố lớn, Malabar là câu chuyện hai thanh niên gốc nhập cư lái xe đụng phải ông lão Việt Nam. Từ những đối kháng thực dụng ban sơ, những con người chung số phận nghèo khổ đã tìm được sự cảm thông ấm áp.
Phim thuyết phục người xem vì tính chuyên nghiệp cao, từ hình ảnh lung linh đến diễn xuất duyên dáng. Có lẽ do vậy mà - theo ghi chú trên génerique - đề án đã nhận được nhiều tài trợ, trong đó có Cục Điện ảnh Pháp.
Cảm xúc khác nhau, 15 phim ở ICI Vietnam 2021 mang tới 15 niềm hy vọng về lực lượng điện ảnh trẻ Việt Nam ở tương lai.
Danh sách phim chiếu tại ICI Vietnam 2021:
Live in Cloud Cuckoo land, phim truyện, sản xuất: Việt Nam. Tác giả: Phạm Hoàng Minh Thy và Vũ Minh Nghĩa.
Mein Vietnam, phim tài liệu, sản xuất: Đức. Tác giả: Tim Ellrich và Hien Mai.
Comme un fleuve - Như một dòng sông, phim hoạt hình, sản xuất: Pháp - Canada. Tác giả: Sandra Desmazières.
Trading Happiness, phim truyện, sản xuất: Đức. Tác giả: Duc Ngo Ngoc.
In full Bloom, phim truyện, sản xuất: Mỹ. Tác giả: Maegan Houang.
Footfalls, phim truyện, sản xuất: Mỹ. Tác giả: Hai Di Nguyen.
Malabar, phim truyện, sản xuất: Pháp. Tác giả: Maximilien Badier Rosenthal.
No crying at the dinner table, tài liệu, sản xuất: Canada. Tác giả: Carol Nguyen.
Sigh Gone, phim truyện, sản xuất: Việt - Mỹ. Tác giả: Jeannie Nguyen.
Niềm đam mê (La Passion), phim truyện, sản xuất: Pháp. Tác giả: Mathieu Lam.
Tôi là thằng khốn, phim truyện, sản xuất: Việt Nam. Tác giả: Hoàng Quốc Nhật.
Những con voi trong thành phố, phim truyện, sản xuất: Việt Nam. Tác giả: Dam Quang Trung.
Blessed Land, phim truyện, sản xuất: Việt Nam. Tác giả: Phạm Ngọc Lân.
The Mute (Câm lặng), phim truyện, sản xuất: Việt Nam - Mỹ. Tác giả: Pham Thien An.
Đẩy Đưa, phim truyện, sản xuất: Việt Nam. Tác giả: Dinbeo.
TTO - Phim 'Vị' được giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Berlin nhận xét có ý tưởng xuất chúng và tầm nhìn điện ảnh. Còn cư dân mạng Việt Nam phủ kín trailer phim với những bình luận như 'bệnh hoạn', 'rác rưởi'.