Sau thời gian dài hàng không gần như “đóng băng, công tác duy trì chất lượng phi công là một trong những “bài toán” được ưu tiên hàng đầu.
Ngay từ đầu năm 2020, khi diễn biến dịch COVID-19 có chiều hướng lan rộng, công tác huấn luyện phi công trong tình hình mới đã được nhiều hãng bay xây dựng, triển khai.
Ông Bùi Thái Sơn, Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919 phụ trách công tác huấn luyện - khai thác của hàng ngàn phi công thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết, Đoàn bay đã lập ra nhiều kịch bản cho công tác khai thác và huấn luyện bay, kể cả trong tình huống xấu nhất là hoạt động bay phải tạm dừng hoàn toàn.
Thực tế, nhiều tháng qua, Đoàn bay 919 vẫn bố trí phi công đi làm tối thiểu theo sản lượng khai thác để duy trì năng định, chứng chỉ. Để khắc phục tình trạng khi một số khóa huấn luyện tập trung phải tạm dừng, Đoàn bay đã triển khai giải pháp đào tạo, kiểm tra trực tuyến.
Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 4, trung tâm huấn luyện bay của Vietnam Airlines tại TP.HCM đã phải tạm dừng hoạt động trong 3 tháng. Tuy nhiên, theo yêu cầu về bảo đảm an toàn khai thác bay, phi công vẫn phải duy trì huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM). Vì vậy, trong khi hầu hết các loại hình huấn luyện khác phải tạm dừng hoặc triển khai trực tuyến, việc huấn luyện SIM vẫn được duy trì tối thiểu định kỳ.
Từ tháng 9, khi trung tâm được mở cửa trở lại, Đoàn bay 919 tiếp tục triển khai công tác huấn luyện SIM trong bối cảnh “bình thường mới”: giáo viên, học viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính; thực hiện khử khuẩn trước và sau khi sử dụng SIM; cho phép tối đa 04 phi công trong một ca huấn luyện trên SIM...
Vietnam Airlines Group cũng bổ sung quy trình sắp xếp tổ bay làm nhiệm vụ có tính đến yếu tố kinh nghiệm, giãn cách, đảm bảo nguyên tắc tối thiểu. Cụ thể, phi công nhiều kinh nghiệm khai thác cùng phi công ít kinh nghiệm; phi công ít giãn cách bay (đã thực hiện nhiệm vụ bay trong vòng 30 ngày) khai thác cùng phi công bị giãn cách bay nhiều (không thực hiện nhiệm vụ bay trong vòng 30 ngày).
Đến nay, Vietnam Airlines Group đã thực hiện tiêm chủng tối thiểu một mũi cho 100% lực lượng phi công và chỉ xếp lịch bay cho phi công đã tiêm đủ liều vaccine.
Chia sẻ về triển vọng phục hồi của ngành hàng không, ông Bùi Thái Sơn cho biết: “Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, chúng tôi vẫn tin rằng Vietnam Airlines Group và ngành hàng không sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng phi công Việt Nam và đảm bảo nguồn lực trong tình hình mới, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong thời gian tới đây”.
Xem thêm: odl.290869-yab-caht-iahk-naot-na-auc-gnos-gnoux-gnoc-ihp-neyul-nauh/et-hnik/nv.gnodoal