Hãng tin Channel News Asia (CNA) ngày 27-10 dẫn lời các chuyên gia Singapore cho biết tỉ lệ ca nhiễm COVID-19 mới hàng tuần không quan trọng bằng số liệu về những bệnh nhân nhiễm nặng.
“Điều quan trọng là chúng ta đừng nên quá phấn khích nếu chỉ mỗi tỉ số giảm xuống dưới mức 1, trừ phi số ca nhiễm nặng cũng giảm xuống” - Tiến sĩ Alex Cook, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho hay.
“Nếu tỉ số ca nhiễm hàng tuần giảm xuống dưới 1 trong một khoảng thời gian dài, điều đó có nghĩa là mức độ lây nhiễm đang được thu hẹp lại, ít nhất đối với các trường hợp đã được chẩn đoán” - Tiến sĩ Cook nhận định.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự sụt giảm này có thể là do việc thu hẹp quy mô công tác xét nghiệm và nhờ vào các biện pháp cách ly, kiểm dịch nghiêm ngặt.
“Chúng ta không nên lợi dụng việc tỉ số ca nhiễm hàng tuần giảm xuống dưới 1 như một lý do để chúng ta có thể bắt đầu chủ quan và nới lỏng các biện pháp giãn cách. Thay vào đó, chúng ta nên xem xét một loạt chỉ số quan trọng hơn” - ông nhấn mạnh.
Các nhân viên y tế đang di chuyển những bệnh nhân lớn tuổi nhiễm COVID-19 đến phòng chăm sóc đặc biệt tại khoa cấp cứu tại bệnh viện Tan Tock Seng, Singapore. Ảnh: MEDIA CORP
Cùng quan điểm với Tiến sĩ Cook, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, bác sĩ Leong Hoe Nam cũng tin rằng số trường hợp nhiễm nặng cần được chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ oxy là một chỉ số vô cùng quan trọng.
“Đối với tôi, đây là một tỉ số rất quan trọng, vì nếu mọi người không nhiễm nặng và không cần phải nhập viện thì sẽ không có gánh nặng nào cho hệ thống chăm sóc sức khỏe nữa” - ông nói.
Theo bác sĩ Leong, “đây là những nguyên nhân đang làm tắc nghẽn hệ thống chăm sóc sức khỏe”, vì một bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt thường phải nhập viện “trong vài tuần” và cần thời gian lâu hơn để hồi phục.
Ông còn cảnh báo rằng số ca nhiễm mới hàng tuần có thể không chính xác do chưa tính đến các trường hợp không được phát hiện do không có triệu chứng: “Có lẽ còn nhiều ổ dịch khác trên khắp hòn đảo”.
Giáo sư Dale Fisher thuộc NUS cho rằng “trở ngại lớn” đối việc mở cửa đất nước nhanh hơn là mối đe dọa đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Các bệnh viện ở Singapore không cho phép thân nhân hay khách đến thăm bệnh nhân cho đến ngày 24-11, như một phần của các biện pháp phòng chống COVID-19. Ảnh: TODAY ONLINE
Đây là tỉ số về tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới của Singapore nhằm đánh giá tình hình COVID-19 ở nước này. Theo đó, nếu có 100 trường hợp nhiễm mới trong một tuần và 100 ca nhiễm mới vào tuần tiếp theo, tỉ số này sẽ là 1.
Nếu tuần trước đó ghi nhận 100 ca nhiễm và tuần tiếp theo ghi nhận 110 ca mắc mới, tỉ số này sẽ là 1,1. Còn nếu tuần trước đó có 100 ca so với 90 ca vào tuần tiếp theo thì tỉ số sẽ là 0,9.
Nếu tỉ số này đạt trên mức 1 có nghĩa là số ca nhiễm vẫn đang tiếp tục gia tăng, còn nếu ở dưới mức này, số ca nhiễm đang có xu hướng giảm dần.
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 23-10, ông Lawrence Wong, đồng điều phối chương trình phòng chống COVID-19 quốc gia cho biết Singapore sẽ “hiệu chỉnh” và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nếu tỉ số lây nhiễm trong cộng đồng giảm xuống dưới 1.
Điều này bao gồm việc cho phép các thành viên trong cùng một hộ gia đình được dùng bữa tại các cửa hàng ăn uống theo nhóm tối đa năm người. Các môn thể thao đồng đội cũng có thể được tổ chức theo nhóm tối đa năm người.
“Tình hình dịch bệnh tại bệnh viện và các đơn vị điều trị tích cực (ICU) vẫn ổn định” - ông Wong thông báo. Tính đến ngày 27-10, tỉ số lây nhiễm ở Singapore là 1,15, theo CNA.