Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó, có điểm đáng chú ý như tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM dự kiến là 21%, mức nợ công giai đoạn 2022 - 2024 dự kiến vượt mốc 4 triệu tỉ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo này, dự toán thu ngân sách năm 2021 là hơn 1,34 triệu tỉ đồng. 9 tháng đã thu được hơn 1,077 triệu tỉ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020.
Năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1,41 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đại dịch COVID-19 tiếp tục tạo áp lực lớn đối với thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024. Tổng thu ngân sách 3 năm 2022 - 2024 dự kiến 4,65 triệu tỉ đồng, còn chi ngân sách là 5,8 triệu tỉ đồng.
Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2022-2024 khoảng 3,8%GDP.
Nợ công đến năm 2024 chiếm khoảng 43 - 44%GDP. Nợ công giai đoạn 2022-2024 cũng dự kiến vượt mốc 4 triệu tỉ đồng, đặc biệt năm 2024 dự kiến nợ công tiệm cận mốc 5 triệu tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo được Bộ Tài chính đưa ra, dự kiến tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM trong năm 2022 dự kiến là 21%, tăng thêm 3% so với giai đoạn 2016 - 2021.
Tổng thu năm 2022, TP.HCM sẽ thu hơn 386.568 tỉ đồng, tăng hơn 21.675 tỉ đồng so với dự toán năm nay. Trong khi đó, tổng chi ngân sách thành phố trong 2022 dự kiến là 94.051 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, tình hình thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi ngân sách nhà nước đã được ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; tiếp tục miễn giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021,...
Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách của năm, một trong các giải pháp được đưa ra là điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép.
Xem thêm: odl.332869-12-nel-mchpt-ohc-hcas-nagn-teit-ueid-el-it-gnan-taux-ed/et-hnik/nv.gnodoal