Ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh: QUOCHOI.VN
Về phim dùng ngân sách nhà nước, có đến 110 đại biểu nhất trí với phương án có đấu thầu, tức "giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; đấu thầu đối với phim có các nội dung khác".
Trong khi đó, chỉ có 14 đại biểu nhất trí với phương án chỉ "giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng", không đấu thầu.
Dù nhiều đại biểu ủng hộ đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng phương án này là không thể.
Ông Hùng nói: "Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Hơn 10 năm gần đây, mỗi năm Nhà nước đầu tư cho phim chỉ 65 tỉ đồng, mà phải đầu tư cho 40 bộ phim. Trong đó, có 20 bộ phim truyền hình, gần 15 phim tài liệu phóng sự. Chỉ có 1 đến 2 phim điện ảnh. Tính ra mỗi phim chỉ có khoảng 2 tỉ đồng.
Vì vậy hầu như không có đơn vị nào đấu thầu, chứ không phải cơ quan soạn thảo không muốn đấu thầu".
Thêm vào đó, mỗi kịch bản phim là tác phẩm của cá nhân (nhà văn, biên kịch) tạo ra, là đứa con tinh thần và luôn gắn với một dự án, một đơn vị sản xuất, chứ không phải là hàng hóa thông thường nên không thể đấu thầu được.
Trên thực tế, Luật điện ảnh năm 2006 đã quy định sản xuất phim bằng ngân sách thì phải thông qua hình thức đấu thầu nhưng không thể thực hiện.
Lý do là Luật điện ảnh và nghị định hướng dẫn thi hành chưa xác định được những đặc thù của lĩnh vực điện ảnh và sự tương thích với các bộ luật liên quan như Luật đấu thầu, Luật ngân sách.
TTO - Giới làm phim phản đối đề xuất 'dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức' vì đạo đức là chuyện cá nhân, không thể bắt tập thể chịu chung hậu quả. Phim dừng chiếu có thể thiệt hại hàng chục tỉ đồng.