Chiếc mũ quan triều Nguyễn đi kèm hộp gỗ đã được bán - Ảnh: BALCLIS
Bất cứ ai theo dõi phiên đấu giá thường kỳ của nhà Balclis (21h ngày 28-10) cũng sẽ đồng ý rằng đây là phiên đấu giá "điên rồ" nhất từng diễn ra với cổ vật Việt Nam.
Bầu không khí nóng lên bất thường đã diễn ra từ cách đây một tuần lễ. Nguyên nhân bắt nguồn từ chiếc mũ quan văn (hàm nhất phẩm - nhị phẩm) triều Nguyễn được Balclis giới thiệu vào ngày 22-10.
Chiếc mũ có niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đi kèm với hộp đựng bằng gỗ. Cả hai đều có một số vết xước và bong tróc nhẹ nhưng tình trạng chung vẫn khá tốt.
Ở giai đoạn tiền đấu giá, chiếc mũ quan (lô 135) đã nhanh chóng tăng vọt từ 600 euro lên 70.000 euro chỉ sau vài ngày với 73 lượt tham gia đấu giá, điều này chưa từng có tiền lệ.
Mọi chuyện còn diễn ra "điên cuồng" hơn khi buổi đấu giá chính thức được tổ chức trực tiếp. Vì được dự đoán là một trong những cổ vật đáng chú ý nhất trong toàn phiên, người dẫn dắt có lẽ đã sử dụng "thủ thuật" kích động tâm lý nhà sưu tập khi ông cho tạm dừng chương trình vài phút, gây ra một vài sự xáo động trong phòng.
Ngay khi bắt đầu lại, giá liên tiếp đội lên với sự tham gia bỏ giá của những người ngồi tại khán phòng lẫn các nhà sưu tập đặt mua trực tuyến.
Ở mức giá 270.000 euro, khi người tham gia tại khán phòng bỏ cuộc, buổi đấu giá đã diễn ra cuộc đua "song mã" của hai người mua online. Giằng co liên tục trong hơn 10 phút, nhà sưu tập ẩn danh mang số hiệu 5618 đã sở hữu chiếc mũ quan triều Nguyễn khi chiếc búa được gõ xuống ở 600.000 euro - mức giá kỷ lục cho một cổ vật của Việt Nam.
Với mức giá gây kinh ngạc này, chiếc mũ quan triều Nguyễn đã bỏ xa các tác phẩm, hiện vật còn lại trong cùng phiên.
Dù có một vài chỗ bong tróc trên đôi cánh chuồn nhưng tình trạng chiếc mũ vẫn còn tốt - Ảnh: BALCLIS
Theo nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (chuyên về trang phục triều Nguyễn), chiếc mũ trên rất hiếm có trên thị trường, lại được bảo quản tốt nên việc thu hút đông đảo nhà sưu tập quốc tế là chuyện đương nhiên.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định với tình trạng gần như nguyên vẹn, có thể suy đoán rằng chiếc mũ đã được đưa ra nước ngoài từ lâu, hoặc do người Pháp mang đi, hoặc được các viên quan thời Tự Đức biếu tặng trong những chuyến công du.
Hộp gỗ được chạm khắc tinh xảo - Ảnh: BALCLIS
Ngoài mũ quan triều Nguyễn, cuộc rượt đuổi trên sàn quốc tế được tái diễn khi một chiếc áo đại triều phục mãng bào tứ linh của nhà Nguyễn và một đôi đài thờ chất liệu gỗ sơn son thếp vàng có xuất xứ Việt Nam được chào bán.
Đôi đài thờ được đấu giá - Ảnh: BALCLIS
Với mức khởi điểm khiêm tốn 340 euro, sau cuộc đấu giá căng thẳng, đôi đài thờ này đã được chốt giá 1.750 euro (hơn 46 triệu đồng).
Tình huống tương tự xảy ra với chiếc áo mãng bào tứ linh, từ 850 euro tăng lên 35.000 euro (khoảng 930 triệu đồng). Chiếc áo thuộc về nhà sưu tập online mang mã số 5777, người đã mua rất nhiều cổ vật châu Á trong cùng phiên.
Tổng toàn phiên, cổ vật Việt Nam có giá gần 17 tỉ đồng.
Bộ triều phục hiện có giá 2.200 euro (hơn 58 triệu đồng) - Ảnh: BALCLIS
TTO - Đó là khẳng định của các nhà nghiên cứu văn hóa, cổ vật về cây kiếm được cho là của vua Thành Thái vừa được đấu giá tại Mỹ.