Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi các nước cần tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, kế hoạch đầy tham vọng này vạch ra chiến lược của chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) đến tháng 9-2022.
Số tiền cần có là 23,4 tỉ USD. 14 tỉ USD được chia đều cho vắc xin và xét nghiệm chẩn đoán, 5,9 tỉ USD để củng cố hệ thống y tế và 3,5 tỉ USD cho các phương pháp điều trị bao gồm thuốc kháng virus, corticosteroid và oxy y tế. Dự kiến sẽ có thuốc uống kháng virus Merck & Co sản xuất để điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ và trung bình rất được quan tâm hiện nay.
Ông Carl Bildt, đặc phái viên của WHO tại ACT-A, cho biết đây là số tiền hợp lý. Nếu chúng ta so sánh với thiệt hại mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, khoản tiền không thực sự nhiều như vậy.
Yêu cầu về khoản tiền này được đưa ra trước cuộc họp vào cuối tuần này của các nhà lãnh đạo của nhóm 20 bao gồm các nền kinh tế giàu có và mới nổi lớn nhất thế giới.
Ông Nils Daniel Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, xác nhận ACT-A đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn tài chính trước đó. Hiện Na Uy và Nam Phi là đồng chủ tịch của nỗ lực gây quỹ. Ông Bildt nói: "Chúng tôi kỳ vọng một tín hiệu mạnh mẽ từ G20 vào cuối tuần này ở Rome".
Khoảng 82 quốc gia trên thế giới sẽ không đạt mục tiêu có 40% dân số được tiêm vắc xin đầy đủ vào cuối năm nay của WHO, nhưng tình hình sẽ được cải thiện nếu nguồn cung vắc xin tiếp tục dồi dào.
Trước đó, ngày 26-10, Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 "còn lâu mới chấm dứt".
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ tập trung vào ba chủ đề gồm con người, hành tinh và sự thịnh vượng, nhằm mục tiêu hướng tới một phản ứng quốc tế nhanh chóng với đại dịch COVID-19, phục hồi bền vững và toàn diện.
Các nhà lãnh đạo dự kiến thông qua thỏa thuận áp thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn toàn cầu, cũng như thảo luận về hợp tác toàn cầu về tài chính, y tế để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
TTO - Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo phụ nữ mang thai và đang cho con bú không sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị COVID-19 tại nhà.