Ông trùm thương mại điện tử, ông trùm công nghệ Internet hay ông trùm kinh doanh luôn là danh hiệu được gán cho Jack Ma, người sáng lập Alibaba. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, những danh hiệu này dường như đang dần phai nhạt, Jack Ma dường như đang đổi hướng, không còn "vùi đầu" vào thế giới mạng nữa mà tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Sau khi Jack Ma chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính Bến Thượng Hải vào cuối tháng 10 năm ngoái, đế chế kinh doanh của ông đã sớm bị các cơ quan quản lý Trung Quốc giám sát gắt gao và đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của công ty con fintech Ant Group của ông cũng bị đình chỉ. Kể từ đó, Jack Ma "nổi đình nổi đám một thời" đã hoàn toàn biệt tích.
Truyền thông và cư dân mạng thường xuyên bàn tán: "Jack Ma đi đâu rồi?"
Giữa tháng 1 năm nay, Jack Ma cuối cùng cũng xuất hiện trong một chương trình vì cộng đồng sau khi "mất tích" hơn hai tháng. Khi đó, ông đã tiến hành một cuộc họp online với 100 giáo viên nông thôn ở Trung Quốc và có bài phát biểu.
Ông nói: "Trong khoảng thời gian này, tôi và các đồng nghiệp đã không ngừng suy nghĩ và nghiên cứu. Chúng tôi càng quyết tâm cống hiến hết mình cho ý tưởng giáo dục vì lợi ích cộng đồng. Điều này không chỉ bởi vì tôi vốn là một giáo viên, mà quan trọng hơn là vì giáo dục, nhất là giáo dục nông thôn. Ngày nay, Trung Quốc đã hoàn thành xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh toàn diện chiến lược phục hồi nông thôn, bước vào giai đoạn phát triển mới và đang tiến tới thịnh vượng chung. Hỗ trợ, phục vụ tốt giáo viên nông thôn, bổ sung cho ngành giáo dục, phát triển tốt hơn giáo dục nông thôn, nỗ lực vì sự phục hồi nông thôn và thịnh vượng chung. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của thế hệ những người điều hành doanh nghiệp chúng ta."
Ngày 20/1, Jack Ma đã tổ chức một cuộc họp online với 100 giáo viên nông thôn ở Trung Quốc. Ảnh: Internet
Một số nhà phân tích cho rằng, việc Jack Ma trở lại với hình ảnh hoạt động tích cực vì cộng đồng một mặt cho thấy ông sẽ quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi công cộng trong tương lai, mặt khác cũng cho thấy ông đồng tình và ủng hộ chính sách của chính phủ về xóa đói giảm nghèo toàn diện, phục hồi nông thôn và thịnh vượng chung. Đó là chủ trương chính của Trung Quốc lúc này.
Jack Ma "hoạt động mạnh" trở lại
Jack Ma gần đây đã có nhiều "động thái lớn" hơn, và bước đầu tiên là chuyến thăm quan nhà kính nông nghiệp ở Bình Hồ, Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang vào ngày 1/9. Cư dân mạng Trung Quốc đồn rằng đó là Jack Ma đi kiểm tra cơ sở nông nghiệp kỹ thuật số của Alibaba.
Vào ngày thứ hai sau sự xuất hiện của Jack Ma, Alibaba đã công bố khởi động "Mười hành động lớn của Alibaba vì sự thịnh vượng chung", hứa hẹn đầu tư 100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 15,6 tỷ USD) để đóng góp cho thịnh vượng chung vào năm 2025; bao gồm tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ, đẩy mạnh xây dựng công nghiệp hóa nông nghiệp…
Sau đó, vào ngày 19 /10, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) thuộc sở hữu của Alibaba, đưa tin rằng Jack Ma đã tới Tây Ban Nha để khảo sát về nông nghiệp và công nghệ liên quan đến các vấn đề môi trường. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Jack Ma kể từ tháng 10 năm ngoái.
Một tuần sau, vào ngày 26 /10, SCMP một lần nữa đưa tin Jack Ma đang đến thăm các cơ sở nghiên cứu ở Hà Lan để tìm hiểu công nghệ nông nghiệp.
Jack Ma (trái) đến thăm một viện nghiên cứu ở Hà Lan vào ngày 25/10/2021. Ảnh: SCMP
Người trong cuộc cho biết, Jack Ma sẽ tiếp tục chuyến đi châu Âu thăm các công ty và cơ sở nghiên cứu liên quan đến cơ sở hạ tầng nông nghiệp, giống cây trồng và đào tạo kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này. Người này cũng tiết lộ, Jack Ma tin rằng việc kết hợp công nghệ mà ông đang khảo sát với điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo của Alibaba có thể giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp của Trung Quốc.
Dựa trên loạt hành động nói trên của Jack Ma và các thông tin rò rỉ, không khó để suy luận rằng, mục tiêu sự nghiệp tiếp theo của Jack Ma sẽ là lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế, Jack Ma đã bày tỏ sự yêu thích của mình đối với lĩnh vực này từ rất sớm.
Tháng 1/2019, khi tham dự Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, Jack Ma nói rằng, nếu có thể khởi nghiệp trở lại, ông sẽ bước vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đó, cũng trong tháng 1/2019, tại Hội nghị Xóa đói Giảm nghèo sử dụng công nghệ của Alibaba, Jack Ma cũng đề cập đến một vấn đề, trong quá khứ, những người nông dân phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", hoàn toàn phải sống dựa vào thời tiết. Nhưng trong tương lai, nông dân có thể "úp mặt vào màn hình, sau lưng có máy tính", dữ liệu lớn được sử dụng để dự đoán và đưa ra các quyết định về nông nghiệp.
Jack Ma còn cho biết, nông dân ngày xưa không biết sử dụng máy vi tính, nhưng ngày nay hầu như ai cũng có điện thoại thông minh. Trước đây không thể có sự phát triển của thương mại điện tử ở các vùng nông thôn, nhưng ngày nay về cơ bản thì là có thể, vì điện thoại thông minh mạnh hơn nhiều so với máy tính cách đây 5 năm.
Ông cũng cho biết thêm, thế hệ nông dân trước đây bỏ quê lên thành phố làm công nhân nhập cư, thì nay nông dân có thể trở thành công nhân nông nghiệp, lâm nghiệp mà không cần bỏ ruộng đất của mình. "Chúng tôi không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn giúp họ thay đổi phương thức tăng thu nhập."
Lương thực - Bài toán liên quan vận mệnh Trung Quốc
Ngoài Jack Ma, rất nhiều ông trùm công nghệ Trung Quốc khác đang thực sự "về vườn".
Tờ Zaobao (Singapore) cho hay, bài phát biểu của nhà sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng tại Lưỡng hội (gồm 2 kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc) năm nay chính xác là để định hướng sự kết hợp giữa công nghệ internet và nông nghiệp thông minh, tập trung bồi dưỡng những "nông dân thế hệ mới"; Đinh Lỗi của NetEase cũng đã đầu tư vào ngành chăn nuôi lợn ngay từ năm 2009.
Thật trùng hợp, những người giàu nhất thế giới ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như người sáng lập Microsoft Bill Gates, Chủ tịch Amazon Bezos và người sáng lập nhà mạng Free Mobile của Pháp Xavier Neal… cũng đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp.
Bill Gates tham gia Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu tổ chức tại London, Anh ngày 19/10. Ảnh: Bloomberg
Trở lại Trung Quốc, vào đầu tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo về vấn đề an ninh lương thực.
Vào tháng 4 năm nay, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (2021-2025) cũng lần đầu tiên bao gồm năng lực sản xuất tổng hợp lương thực như một chỉ số ràng buộc về an toàn và an ninh.
Lương Nhan - Phó Cục trưởng Cục Dự trữ Lương thực và Nguyên liệu Nhà nước Trung Quốc - cho biết: "Điều này thể hiện sự coi trọng nhất quán và chưa từng có của Trung Quốc đối với an ninh lương thực, vốn liên quan đến vận mệnh đất nước và sinh kế của người dân, cũng là ưu tiên hàng đầu trong quản trị quốc gia."
Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc là nước tiêu thụ lương thực lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước sản xuất lương thực lớn nhất. Theo số liệu năm ngoái, tỷ lệ nhập khẩu lương thực hiện tại của Trung Quốc là khoảng 20%. Trong bối cảnh xung đột Trung - Mỹ chưa được giải quyết, dư luận lo ngại rằng một khi tình hình bên ngoài xấu đi, "dạ dày" của người dân Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu đầu tiên bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn đang lan rộng, cộng với trận lũ lụt ở "Vựa lúa của Trung Quốc" ở tỉnh Hà Nam vào tháng 7 năm nay, tất cả đều gây áp lực lên sản xuất lương thực.
Do đó, nếu các doanh nghiệp tư nhân có công nghệ và vốn của Trung Quốc tích cực đầu tư vào nông nghiệp, có thể giảm bớt rủi ro về an ninh lương thực của Trung Quốc ở một mức độ nào đó. Mặc dù không thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhưng các quan chức chính phủ sẽ rất vui khi thấy điều đó xảy ra.
Hơn nữa, vào thời điểm Bắc Kinh đặt "thịnh vượng chung" lên vị trí quan trọng chưa từng có, Jack Ma - một tỷ phú đang bị "tăng cường giám sát" - lại nói về hiện đại hóa nông nghiệp và phục hồi nông thôn. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ nông dân nông thôn, đây cũng là điều đúng đắn nhất về mặt chính trị.