Đây là giai đoạn 3 của chương trình hợp tác dài hạn giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng được thiết lập vào năm 2013. Chương trình sẽ do Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp thực hiện với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 60,3 triệu DKK (tương đương 10 triệu USD) dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật của Đan Mạch.
Ngày 28-10, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ký kết hiệp định khởi động Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2021-2025 (chương trình DEPP III).
Giai đoạn đầu của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP) được triển khai từ năm 2013 đến năm 2017 tập trung vào phát triển carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệp và tòa nhà; giai đoạn hai triển khai từ năm 2017 đến năm 2020, bao trùm các lĩnh vực về tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và thiết lập mô hình kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng.
Giai đoạn ba là giai đoạn mới của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Đan Mạch (DEPP III) sẽ được triển khai trong 5 năm từ năm 2021 đến năm 2025. Chương trình bao gồm hoạt động thúc đẩy điện gió ngoài khơi và hoạt động xây dựng các cơ chế khuyến khích nhằm cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Chương trình DEPP III cũng sẽ tiếp tục tập trung vào thiết lập mô hình dài hạn cho ngành năng lượng với ấn phẩm Báo cáo Triển vọng Năng lượng được xuất bản định kỳ 2 năm một lần.
Cục Năng lượng Đan Mạch sẽ hỗ trợ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam (Bộ Công Thương) khai thác tiềm năng to lớn về điện gió ngoài khơi của Việt Nam thông qua việc xây dựng các chính sách và quy định pháp lý mang tính kiến tạo cho phát triển của điện gió ngoài khơi.
"Bên cạnh các sáng kiến hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi vào hệ thống điện, chúng tôi sẽ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 vào đầu năm tới. Báo cáo này là công cụ quy hoạch chiến lược quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh ngành năng lượng và đáp ứng các cam kết theo Thỏa thuận Paris"- ông Anton Beck, Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết.
Ngoài ra, Chương trình sẽ tăng nguồn vốn hỗ trợ cho Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm.
Tại lễ ký, Đại sứ Kim Højlund Christensen cho biết: "Với hơn 50 năm kinh nghiệm chuyển đổi ngành năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Đan Mạch rất sẵn lòng chia sẻ với Việt Nam các giải pháp, bí quyết và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi năng lượng và nâng cao cam kết cũng như tham vọng của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu."
860.000 USD từ Mỹ phát triển năng lượng tái tạo
Cùng ngày 28-10, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố khoản ngân sách 860.000 USD để tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nguồn ngân sách mới này sẽ hỗ trợ những nỗ lực hiện tại của USAID nhằm giảm các chi phí giao dịch và rủi ro cho các nhà phát triển dự án nhằm khuyến khích gia tăng đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, một lĩnh vực được coi là động lực then chốt cho sự bền vững và tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, khoản ngân sách mới được công bố sẽ hỗ trợ:
Các nhà máy điện gió trên bờ (công suất 350MW) tại Gia Lai của Công ty cổ phần TSV và Asia Renewables. Hỗ trợ bao gồm thiết kế sơ đồ hệ thống máy phát tuabin gió tối ưu hóa, thực hiện đánh giá năng suất năng lượng xem có khả thi về mặt tài chính trước thi công, lập hồ sơ trước thi công và chuẩn bị hồ sơ thầu cần thiết cho thi công.
Thử nghiệm công nghệ điện sóng biển ngoài lưới của công ty INGINE Pacific trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hỗ trợ bao gồm thực hiện đánh giá tác động xã hội và môi trường, giúp INGINE Pacific giảm tối đa nguy cơ bị gián đoạn khi triển khai dự án, tối ưu hóa hoạt động quản lý dự án để đạt hiệu quả cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn, tối đa hóa lợi ích phát triển của địa phương, chẳng hạn như khuyến khích việc thực hành trách nhiệm công dân của doanh nghiệp. Việt Nam có 3.000 km đường bờ biển và hơn 3.000 đảo và quần đảo, do vậy điện sóng biển là một nguồn năng lượng tiềm năng quan trọng cho quá trình Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch.
Các nhà máy điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Cà Mau (công suất 300MW) và Trà Vinh (công suất 200MW). Hỗ trợ bao gồm thực hiện các nghiên cứu khả thi và các đánh giá tác động môi trường và xã hội đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giúp Công ty cổ phần BCG Energy (công ty thành viên của BCG) khi công ty này đang tìm kiếm các nguồn tài chính quốc tế.
Ngân sách tài trợ sẽ được cung cấp thông qua dự án INVEST - một sáng kiến toàn cầu của USAID với mục tiêu giúp giảm thiểu rào cản đối với các nhà đầu tư, qua đó tạo thuận lợi cho huy động và điều tiết dòng vốn tư nhân vào các lĩnh vực có tác động cao.