Ngày 28-10, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm trực tuyến, chủ đề: "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng". Qua buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình với nhận định về khả năng khôi phục của thị trường bất động sản (BĐS) là rất lớn, như lò xo bị nén và các doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị sản phẩm, nâng chất lượng dịch vụ và chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Các diễn giả và khách mời tham dự tọa đàm của Báo Người Lao Động. Ảnh: VĂN HÙNG
Linh hoạt thích ứng
Vốn đã gặp khó từ trước khi có dịch Covid-19 nên tác động của đại dịch tới ngành BĐS và hoạt động kinh doanh của DN càng nặng nề. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, cho hay đại dịch diễn ra từ năm 2020 nhưng phải đến nay mới nhìn thấy tác động thực sự, đặc biệt trong quý II và III/2021 khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với diễn biến hết sức phức tạp. TP HCM là thị trường bị tác động nặng nề, nhất là phân khúc nhà ở, vì giãn cách xã hội kéo dài trong 4 tháng. Rất nhiều dự án, kế hoạch triển khai của DN bị đình trệ.
Theo thống kê của CBRE, tại thành phố chỉ 2 dự án được mở bán dưới hình thức trực tuyến với 1.600 căn hộ, chủ yếu là phân khúc cao cấp. Giao dịch hạn chế do giãn cách và tâm lý thận trọng của cả các nhà đầu tư và khách hàng khiến thị trường gần như đóng băng. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng nguồn cung căn hộ toàn thành phố chỉ đạt 7.500 căn, giảm hơn 30% so cùng kỳ và là cột mốc thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đổi lại, điểm tích cực là dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng tỉ lệ hấp thụ trong những đợt chào bán căn hộ ở TP HCM vẫn khá cao cho thấy nhu cầu vẫn tốt, hay khu vực Long An đã chào bán dự án căn hộ bình dân với tỉ lệ giao dịch thành công cao cho thấy nhu cầu phân khúc này rất khả quan.
Riêng thị trường Hà Nội, nhờ vào hạ tầng phát triển đã góp phần tăng nguồn cung ở những khu đô thị lớn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón nhận khoảng gần 12.000 căn hộ, trong đó khoảng 90% căn hộ được mở bán đều năm ở phía Tây, phía Đông…
Trong lĩnh vực môi giới BĐS, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết giai đoạn giãn cách kéo dài vừa qua, khoảng 70% sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Để trụ lại trên thị trường và thích ứng trong điều kiện mới, các nhà môi giới, chủ đầu tư đã chủ động cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng qua các nền tảng công nghệ; tổ chức hoạt động giới thiệu các dự án, giao dịch bằng hình thức trực tuyến. "Giải pháp này giúp thị trường trở nên có động lực. Đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và DN sẵn sàng tổ chức hoạt động bán hàng trong thời gian tới. Nhiều nơi đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10 này. Đây là thời điểm rất tốt để khách hàng tham gia thị trường khi nhận thấy sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách… Các chủ đầu tư cũng có chương trình hỗ trợ về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất để kích cầu cho thị trường. Đây là tín hiệu tích cực sau tái khởi động của nền kinh tế" - ông Phạm Lâm nói.
Ông Caleb Lau, Tổng Giám đốc Hongkong Land, cũng nhận định đang có sự thay đổi trong hành vi mua hàng dần chuyển sang kênh trực tuyến. Vì vậy, các dự án phát triển khu dân cư và thương mại mới nên xem xét trong việc cung cấp không gian thích hợp cho các hộp, tủ khóa để chứa hàng hóa được giao và khu vực chờ cho người giao hàng. Các nhà phát triển dự án cũng cần linh hoạt thay đổi cách tiếp thị, phân phối sản phẩm của mình qua hình thức trực tuyến để thích ứng với giai đoạn mới.
Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản có thể phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Ở góc độ nhà quản lý, ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý nhà - Thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, thông tin Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các địa phương và thấy rằng thị trường BĐS nhìn chung đang gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tổng nguồn cung quý III/2021 chỉ đạt 60%-70% và lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ bằng 40%-50% so với quý II/2021.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn số liệu báo cáo sẽ thấy sự giảm phát của thị trường không đồng nhất ở các địa phương, giảm nhiều hơn ở những địa phương đặc biệt như Hà Nội, TP HCM. Thị trường giảm phát không phải do nhu cầu, chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động của dịch bệnh. "Các DN, nhà đầu tư BĐS luôn có sự thích ứng nhanh để duy trì đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận bên cạnh sự thích ứng linh hoạt của DN cũng cần sự đồng hành, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành để giúp thị trường sớm hồi phục" - ông Vương Duy Dũng nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, so với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực BĐS có sự khác biệt đáng kể.
Phân tích của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho thấy trước đây, khi gặp khó khăn, nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, thị trường BĐS phân khúc nhà ở thiếu nguồn cung, trong khi nhu cầu vẫn lớn, thậm chí một số lĩnh vực như BĐS khu công nghiệp, BĐS logistics… lại phát triển tốt.
Khác biệt thứ 2 là giá BĐS không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao ở những phân khúc vừa nêu. Tác động của đại dịch cũng khác nhau ở các phân khúc, như lĩnh vực văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn… rất khó khăn; còn các lĩnh vực khác như BĐS khu công nghiệp, logistics vẫn tốt.
Trong bối cảnh này, các DN kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc về pháp lý sẽ sớm được tháo gỡ để dự án BĐS có thể sớm được triển khai; các dự án ách tắc, phải tạm ngưng thời gian qua cũng sớm được khôi phục.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương cũng cho hay đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ DN BĐS triển khai dự án thuận lợi.
Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thông tin TP Cần Thơ đã tạo hành lang pháp lý, bình đẳng trong thu hút đầu tư, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở. Sở Xây dựng cũng tăng cường quản lý sàn giao dịch BĐS trên địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công bố thông tin dự án đầu tư nhà ở, khu đô thị đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đẩy nhanh vốn đầu tư công. "Cần Thơ đang chào đón nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó có BĐS, để tiếp cận các dự án trên địa bàn và cam kết hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh" - ông Sáu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Song, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Nẵng, cũng cho biết TP Đà Nẵng đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để giải quyết nhanh cho công dân và DN. Ngoài các giải pháp công khai hệ thống thông tin về đất đai, kế hoạch, tiến độ… thì Đà Nẵng cũng thường xuyên đối thoại với nhà đầu tư, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, điều chỉnh cơ cấu nhà ở cho phù hợp thị trường, công bố quá trình xem xét thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích. "Dù đã rất cố gắng tháo gỡ nhưng các vấn đề còn tồn tại, trong đó có vấn đề tồn tại từ trước nên tháo gỡ khó, chúng tôi đã và đang tiếp tục xin ý kiến bộ, ngành trung ương để dự án được phát triển" - ông Song thông tin.
Có thể bật mạnh như "lò xo"
Theo TS Cấn Văn Lực, dòng vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực BĐS thời gian qua vẫn tăng khoảng 6% (tính đến hết quý III/2021, so với cuối năm 2020). Tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng hơn 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế; trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 36% (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng). "Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch, thị trường BĐS cũng có thể như lò xo bật lên mạnh mẽ. Kinh tế quý IV/2021 được dự báo tăng trưởng trở lại khoảng 4%, cả năm tăng trưởng khoảng 2,5% và năm 2022 có khả năng đạt khoảng 6,5%-7%. Mục tiêu của nhà nước vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới. Đây là yếu tố thuận lợi cho thị trường BĐS phục hồi" - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.49570520282011202-cuhp-ioh-nas-gnod-tab-ed-yab-nod/et-hnik/nv.moc.dln