Đi cùng với sự phát triển, mạng xã hội những năm gần đây đã cung cấp thêm một phương tiện hữu hiệu để mọi người thể hiện quyền tự do cá nhân và cả quyền tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, mặt trái của nó là các thông tin giả, tin xấu, độc hại được tạo ra, lan truyền do vô tình hay có động cơ, thậm chí ác ý, đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Đáng nói, gần đây nổi lên hiện tượng mạng xã hội được sử dụng như là kênh giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công nhau gây rối dư luận.
Về ứng xử trên mạng xã hội, ngày 17 tháng 6 năm 2021 Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" hướng dẫn cụ thể cho mọi người dùng.
Để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cá nhân, pháp luật hiện hành có đầy đủ các cơ chế thông qua việc khởi kiện dân sự, khiếu nại, tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật... Việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp theo khuôn khổ luật định là hành xử chuẩn mực.
Vì vậy, sử dụng mạng xã hội để đôi co, lời qua tiếng lại, trả đũa lẫn nhau là hành vi ứng xử lệch chuẩn.
Còn việc lợi dụng mạng xã hội để dàn dựng, xuyên tạc sự thật, chửi bới với ngôn ngữ phản cảm, thô tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến nhiều người, nhiều giới, nhiều cơ quan... lại còn vượt xa sự lệch chuẩn. Hành vi đó là vi phạm pháp luật mà pháp luật hình sự quy định phải chấn chỉnh, răn đe.
Theo Bộ luật hình sự hiện hành, hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác có dấu hiệu vi phạm liên quan 3 tội danh gồm: tội "làm nhục người khác", tội "vu khống" và tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo quy định và thực tế để xử lý hành vi "làm nhục người khác" và "vu khống", ở mức nhẹ nhất thì người bị hại cần gửi đơn yêu cầu đến cơ quan công an.
Riêng với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thì không cần phải có đơn yêu cầu của người bị hại.
Bởi lẽ chính sách pháp luật hình sự đánh giá hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ là hành vi nguy hiểm, xem thường kỷ cương, có thể gây mất trật tự trị an, gây rối xã hội. Vì vậy với trách nhiệm của mình, cơ quan điều tra sẽ chủ động xác minh, thu thập chứng cứ, xử lý hành vi này mà không cần phải có đơn yêu cầu của bị hại.
Một xã hội văn minh, luôn vận động với tinh thần tôn trọng pháp luật thì hành xử phải theo chuẩn mực, khuôn khổ mà pháp luật là thước đo. Những ứng xử lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật cần phải được chấn chỉnh, răn đe và xử lý bằng các chế tài nghiêm minh.
Trong đó, yêu cầu xử lý kịp thời, tương xứng với hành vi vi phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật là rất quan trọng, vừa để bảo đảm trật tự kỷ cương vừa không để hành vi ứng xử lệch chuẩn lây lan và trở thành hiện tượng "bình thường mới".
Yêu cầu này cũng được nhiều đại biểu quốc hội thảo luận, đồng tình trong các cuộc họp gần đây.
TTO - Thời gian gần đây xuất hiện tràn lan những vụ livestream, dùng nền tảng mạng xã hội để chửi bới, tấn công nhau, tấn công đến nhiều người, nhiều giới, thậm chí cả cơ quan công an.
Xem thêm: mth.80903316192011202-gnam-nert-nauhc-hcel-ux-gnu-nahc-nagn/nv.ertiout