Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Khoản 2 Điều 16 dự luật có chi tiết, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Đại biểu Trình Lam Sinh (Phó đoàn An Giang) nói, thông thường, hợp đồng sẽ ghi nội dung loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, nhưng không phải bên mua nào cũng có thể đọc hết toàn bộ nội dung hợp đồng đó vì rất chi tiết và phức tạp, thậm chí khó hiểu, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Người mua bảo hiểm nếu không chú ý khi giao kết hợp đồng, đến khi phát sinh sự việc rất khó yêu cầu bồi thường vì vướng vào các điều khoản loại trừ trong hợp đồng. Chính vì những yếu tố này, theo đại biểu, ở Việt Nam, người dân chưa thiết tha lắm với các loại hình bảo hiểm, trừ các loại hình bảo hiểm do nhà nước quy định bắt buộc phải mua.
Ông Sinh cho rằng, rất nhiều người có nhu cầu và có mong muốn tham gia vào các sản phẩm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm cho con trẻ đến tuổi trưởng thành. Nhưng theo ông, quy định của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã "đẩy phần lớn rủi ro cho người mua bảo hiểm", khiến họ còn nghi ngại.
"Nếu chúng ta quy định rõ để cân bằng, hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên thì tôi nghĩ rằng lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam sẽ phát triển tốt trong thời gian tới", ông Sinh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Giám đốc Ngân hàng Agribank, Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang) đánh giá điều khoản quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm rất quan trọng, vì hậu quả pháp lý của việc này là người mua bảo hiểm sẽ không được hưởng các quyền lợi của hợp đồng.
Dù vậy, dự thảo quy định nội dung này theo bà Hà lại chưa chặt chẽ, chưa có điều khoản cụ thể về các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Trong khi đó, Điều 38 của dự thảo nêu là doanh nghiệp nợ bảo hiểm có thể thỏa thuận nội dung mà không trả tiền bảo hiểm với người mua.
"Đây là một điều quy định rất rủi ro cho người mua bảo hiểm, vì Luật Kinh doanh bảo hiểm là những kiến thức rất chuyên sâu, chuyên ngành, không phải người mua bảo hiểm nào cũng có những kiến thức pháp lý để lường trước được những rủi ro, bảo vệ quyền lợi của mình", bà Hà nói.
Do vậy, đại biểu Tuyên Quang đề nghị dự luật quy định nội dung này cụ thể hơn, có thể tại một điều hoặc có những dẫn chiếu đến các điều có quy định tại dự thảo. Người kinh doanh bảo hiểm có thể thỏa thuận với người mua với những nội dung mà luật quy định.
Một số đại biểu cũng băn khoăn về bí mật thông tin cho người mua bảo hiểm. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Bí thư Thị ủy Sơn Tây) đề xuất dự luật nêu rõ hợp đồng bảo hiểm phải quy định rõ nội dung về cung cấp thông tin.
Theo bà, báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Tài chính mới nêu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin khách hàng, nhưng như vậy là chưa đầy đủ vì tiếp cận thông tin cá nhân không phải chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm.
Đó có thể là các cơ quan, chủ thể cơ quan nhà nước khi có yêu cầu, chưa kể còn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Vì vậy, nữ đại biểu Hà Nội đề nghị phải bổ sung quy định trách nhiệm bảo mật thông tin với tất cả các bên tiếp cận được cơ sở dữ liệu này và chế tài xử lý khi để lọt, lộ thông tin.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn Bình Thuận) cũng đồng tình và cho rằng, hiện nay ai nắm thông tin là người đó nắm nguồn lực, nguồn tài sản rất lớn. Tuy nhiên, không có cơ sở nào để đảm bảo các công ty bảo hiểm không cung cấp thông tin khách hàng cho một tổ chức, cá nhân khác khi chưa được đồng ý.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc cung cấp thông tin, lo ngại về bí mật của cá nhân đã được quy định rất rõ là các bên phải tuân thủ Điều 21 Hiến pháp (mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình), Điều 38 Luật Dân sự (đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ), Luật An ninh mạng và các luật khác.
"Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý, đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin", ông Phớc nói.