vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều trợ lực cho cà phê, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam

2021-10-29 18:55

Tìm chỗ đứng ở thị trường khó tính

Thực hiện Chương trình Cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cà phê và hồ tiêu cập nhật thông tin thị trường nước ngoài, tìm kiếm các cơ hội giao thương quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội Vietcraft tổ chức chương trình hội nghị giao thương trực tuyến cà phê và hồ tiêu Việt Nam 2021.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ông Lê Hoàng Tài cho biết, cà phê và hạt tiêu là nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam.

8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các sản phầm cà phê ước đạt 1,07 triệu tấn, tương đương giá trị khoảng 2 tỷ USD. Hiện nay, cà phê Việt Nam đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế khi hiện diện ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19, hồ tiêu vẫn là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu rất ổn định, giá trung bình năm 2021 là 3.321 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng giống như cà phê, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thông qua hội nghị này.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều trợ lực cho cà phê, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại 

Nhận định về cơ hội xuất khẩu của 2 mặt hàng trên vào thị trường Úc và Nhật Bản, Tham tán thương mại Việt Nam tại 2 nước này đều đưa ra những con số rất khả quan.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Úc cho biết, Úc là thị trường nằm trong nhóm 30 nước tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới với sản lượng tiêu thụ mỗi năm lên đến 1,96 triệu Pound. Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này sang Úc, chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng nhu cầu thị trường.

Về đặc trưng thị trường, ông Hòa nhấn mạnh, Úc là một thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng hàng hóa cao nhưng ngược lại, rất năng động và có xu thế muốn trải nghiệm mới, chính vì vậy, sản phẩm cà phê mang đi (take away) luôn nhận được sự ưa thích. Vài năm trở lại đây, hương vị cà phê Việt Nam đã bước đầu được người tiêu dùng Úc chấp nhận.

Hồ tiêu cũng là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn của nước này, xu thế tăng bình quân hàng năm khoảng 2,5%. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,63 nghìn tấn hồ tiêu vào Úc, tăng 30,47% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hòa nhận định, từ nay tới cuối năm là “thời điểm vàng” cho doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và cà phê vào thị trường này.

Nhằm cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời kết nối quảng bá địa phương, thông tin về cơ hội đầu tư, sản phẩm hình thành chuỗi cung ứng, năm 2020, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc đã xây dựng ứng dụng Viet-Aus Trade, cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, triển lãm để đưa đến trải nghiệm thực tế về sản phẩm đối với người tiêu dùng Úc.

Dự kiến, cuối tháng 11 tới đây, Thương vụ Việt Nam tại Úc sẽ tổ chức triển lãm trực tuyến nguồn hàng Việt Nam tại Úc để đẩy mạnh công tác xuất khẩu nông sản năm 2022.

Đối với thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam nhận định, Việt Nam hiện đang xếp thứ 3 kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu vào Nhật Bản.

Trong khi đó, sử dụng cà phê đang trở thành một phong trào trong xã hội Nhật Bản. Năm 2020, Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường này. Người tiêu dùng Nhật Bản chủ yếu ưa thích các sản phẩm cà phê rang, cà phê hòa tan, pha không đường, cà phê lon và đóng chai…có nguồn gốc từ hạt cà phê Arabica, cà phê Robusta.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều trợ lực cho cà phê, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam (Hình 2).

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh.

Ông Minh cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Nhật đặc biệt coi trọng và bảo vệ sức khỏe người dân nên các sản phẩm nhập khẩu phải đảm bảo chặt chẽ về các tiêu chí như an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiều trợ lực để phát triển

Phát biểu về công tác sản xuất trong nước, đại diện Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hiền cho biết, với phương châm: Năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, thực hiện nghiêm túc công tác truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng lực sản xuất, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chứng nhận như Organic, UTZ; 4C… thông tin về sản phẩm được minh bạch hóa, từ khâu trồng trọt, chăm sóc, chế biến đến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Mục tiêu xa hơn, ngành cà phê sẽ tích hợp đa giá trị vào trong sản phẩm để định hình lên một chuỗi nhận diện riêng biệt.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều trợ lực cho cà phê, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam (Hình 3).

Thu hoạch cà phê tại Việt Nam

Ông Lê Việt Anh, phụ trách Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, với sự hiện diện ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, hồ tiêu Việt Nam luôn đứng đầu thế giới với mức xuất khẩu bình quân là 284 ngàn tấn/năm. 9 tháng năm 2021, xuất khẩu hơn 213 ngàn tấn, kim ngạch đạt khoảng 719 triệu USD.

Tuy sản lượng trong nước năm 2021 có sụt giảm khoảng 25% so với năm trước, chỉ còn khoảng 180 nghìn tấn, nhưng giá cả mặt hàng này đã tăng trở lại, cao gấp đôi so với năm 2020.

Đánh giá về nguyên nhân gây nên sự sụt giảm, ông Việt Anh cho rằng, năm 2019 và 2020, giá hồ tiêu xuống thấp khiến nông dân thua lỗ nặng, không còn vốn để tái sản xuất. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh, biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều ha hồ tiêu bị ảnh hưởng nặng nề.

Dự đoán giá hồ tiêu sẽ có xu thế tăng trong những năm tới đây, ông Việt Anh phân tích: “Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của thế giới đều tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong khi đó sản lượng sụt giảm nên việc tăng giá là tất yếu”.

Kinh tế vĩ mô - Nhiều trợ lực cho cà phê, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam (Hình 4).

Hồ tiêu là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam

Theo ông Việt Anh, hồ tiêu Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh như, sản phẩm đa dạng, giá cả luôn ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới, diện tích sản xuất hồ tiêu bền vững, có liên kết giữa doạnh nghiệp và nông dân ngày càng tăng khiến cho sản lượng được đảm bảo, cộng thêm rất nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ. Đây sẽ là những trợ lực rất lớn để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sẽ còn nhiều khó khăn ngành hồ tiêu phải đối mặt như biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng cao, đặc biệt là thị trường châu Âu. Giá phân bón tăng kéo theo chi phí sản xuất. Doanh nghiệp cần cân nhắc và lên kế hoạch sản xuất, xuất khẩu thật chi tiết để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

 

Xem thêm: lmth.271235a-man-teiv-auc-uahk-taux-ueit-oh-ehp-ac-ohc-cul-ort-ueihn/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều trợ lực cho cà phê, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools