Ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã tham dự và chủ trì hội nghị trực tuyến “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới" do Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ về những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải do đại dịch Covid-19 gây ra. Hệ quả tất yếu là kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong 3 tháng gần đây giảm trên 30% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,55 tỷ USD.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp ngành gỗ khi 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ vẫn đạt 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Thấu hiểu những khó khăn, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã rất tích cực trong việc đề ra những giải pháp, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ những chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với quyết tâm mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là một chính sách hết sức thiết thực để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh vừa thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
“Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung phục hồi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ. Nhận diện rõ cả thách thức và cơ hội trong tình hình bình thường mới", Thứ trưởng chỉ đạo.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp và nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng thuận cao độ với phát biểu của Thứ trưởng và cho rằng, Nghị quyết 128 đã mở ra lối thoát cho nhiều doanh nghiệp khi gần như 100% doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động sản xuất.
Chia sẻ về những khó khăn trong thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách trên diện rộng khiến đứt gãy chuỗi lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hoạt động sản xuất gần như tê liệt.
Thiệt hại nặng nề nhất là các doanh nghiệp thuộc 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp.HCM khi hơn 50% doanh nghiệp tại đây phải ngừng hoạt động, các doanh nghiệp cố duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" cũng chỉ được khoảng 60-70% công suất nhưng chi phí lại tăng cao lên rất nhiều.
Chủ tịch Vifores tin tưởng, Nghị quyết 128 ban hành, nhiều địa phương cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới sẽ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp ngành gỗ khôi phục lại năng lực sản xuất.
Viện dẫn Bình Dương đã đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 gần 100% và số người dân tiêm đủ 2 mũi cũng đạt đến 70%, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đề xuất cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác phòng chống dịch, chịu trách nhiệm về công tác an toàn trong quá trình sản xuất.
"Các doanh nghiệp Bình Dương gần như đã khôi phục sản xuất với giải pháp "3 xanh" trong tình hình mới. Chúng tôi có phòng khử khuẩn, lao động muốn vào nhà máy, ngoài việc tuân thủ quy định 5K còn phải bắt buộc trải quy trình khử khuẩn này", ông Hiệp lý giải về nguyên nhân đưa ra đề xuất trên.