Ngày 29-10, Quốc hội (QH) nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đây được coi là kế hoạch quan trọng trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19.
Các đại biểu (ĐB) đều đồng tình phải có kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhưng băn khoăn một số định hướng và chỉ tiêu của kế hoạch.
Đại biểu Nguyễn Phú Cường (phải) và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc |
thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Ảnh: Đ.MINH
Sẽ có gói kích thích đủ lớn
ĐB Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho là nhu cầu phục hồi kinh tế hiện rất cấp bách. Một kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế được QH thông qua thì Chính phủ phải bắt tay triển khai ngay, vì nếu chậm thì chúng ta tiếp tục bị bỏ lại phía sau.
Vấn đề đặt ra là: nguồn lực ở đâu để cơ cấu lại, phục hồi nền kinh tế? Ông Cường cho hay: “QH và Chính phủ đang bàn, thiết kế gói kích thích kinh tế đủ lớn. Hiện đã có dự thảo của Bộ KH&ĐT, phân kỳ các gói kích thích”.
Theo ông Cường, gói kích thích chủ yếu là lấy từ ngân sách nhưng có điều đáng quan tâm là khi sử dụng chính sách tài khóa thì có thể ảnh hưởng tới tình hình nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin hiện các bộ, ngành đang tham mưu cho Thủ tướng một số gói kích thích kinh tế, chẳng hạn gói hỗ trợ lãi suất.
“Vừa rồi Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà Nước chủ trì cùng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xây dựng gói hỗ trợ lãi suất. Gói này lấy từ nguồn ngân sách trung ương, khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, hỗ trợ 2%-3% cho các doanh nghiệp (DN) du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch đủ điều kiện vay hoặc tập trung vào các dự án hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng yếu, trọng điểm quốc gia” - Bộ trưởng Phớc nói.
Ông Phớc nhận định nếu làm được như vậy thì sẽ kích cầu nền kinh tế rất nhanh, nguồn vốn bỏ vào đây sẽ tạo cầu đầu tư tốt, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bộ trưởng Phớc cũng đề cập đến đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. “Chúng tôi đang thiết kế gói này để huy động tiền trong dân, như USD nhàn rỗi trong dân cư. Lãi suất gửi đôla ở ngân hàng thương mại hiện là 0%. Gói này vay tiền của dân mà không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ” - ông nói.
Ông cũng đề cập tới phát hành trái phiếu chính phủ ngắn hạn để tập trung vào giải quyết những vấn đề trước mắt và thúc đẩy quá trình tăng trưởng. Sau đó “quay vòng vốn” để bảo đảm cho kinh tế phát triển.
“Có nghĩa là năm 2022-2023 chúng ta có thể tăng bội chi nhưng đến năm 2024 khi kinh tế phát triển rồi, ngân sách tăng lên rồi thì giảm bội chi và bội chi bình quân của cả nhiệm kỳ vẫn đạt chỉ tiêu mà Đại hội XIII đề ra” - ông nói.
Đẩy mạnh đầu tư công
ĐB Nguyễn Phú Cường lại cho rằng có nhiều nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế hơn là các gói kích thích. Ông đề cập đến nguồn vốn đầu tư công và đầu tư xã hội. Hiện đầu tư công vẫn chưa giải ngân được trong khi nếu giải ngân được thì sẽ đóng góp vào tăng trưởng rất lớn.
ĐB Cường đề xuất: “Chỉ tiêu giải ngân đầu tư công phải thành chỉ tiêu pháp lệnh, không hoàn thành là phải xử lý, trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng cũng đề cập nhiều”. Hướng về Thủ tướng, ĐB Cường nói: “Nếu Thủ tướng tăng cường chỉ đạo đầu tư công như chỉ đạo chống dịch COVID-19 thì khéo năm 2022 không đủ tiền mà giải ngân”.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận ngoài các gói kích thích thì giải quyết những vướng mắc trong đầu tư công bằng cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng.
“Chúng ta tập trung vào đột phá về thể chế và đầu tư hạ tầng, giải ngân một cách nhanh nhất cũng như thúc đẩy tăng trưởng một cách nhanh nhất. Chúng tôi tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ trình QH dùng một luật sửa 10 luật là để tháo gỡ vướng mắc” - ông nói.
Lấy ví dụ về việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án, ông Phớc cho rằng điều này sẽ thúc đẩy các dự án nhanh hơn khi có đất sạch để thi công và tận dụng được quỹ đất xung quanh dự án.
Ngoài ra hiện nay, Thủ tướng cũng chỉ đạo phân cấp mạnh về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Theo đó, các dự án loại B, C sẽ phải phân cấp chứ không đưa về các bộ chuyên ngành. Bởi các bộ không đủ nhân lực thẩm định thì sẽ kéo dài thời gian không đưa được các dự án vào hoạt động.
Hoàn thiện thể chế để thực hiện ba đột phá chiến lược
Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ông cho là trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn và thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay của nền kinh tế, nhất là áp lực về nợ xấu gia tăng do tác động của đại dịch COVID-19.
Thể chế cần phải tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy thực hiện ba đột phá chiến lược, các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.
Cùng với đó, phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…
Đó là những trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn tới. Đây cũng là những lĩnh vực chúng ta cũng có dư địa để phát triển, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vừa tận dụng cơ hội để cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Băn khoăn chỉ tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) và ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đều băn khoăn về chỉ tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025. ĐB An đặt vấn đề: Năm 2020, mục tiêu là 1 triệu DN đã không đạt được, vậy năm 2025, có đạt được 1,5 triệu DN hay không? Còn ĐB Hùng cho rằng khi môi trường kinh doanh thuận lợi thì DN sẽ tự phát triển theo cơ chế thị trường. Cả hai ĐB đều cho rằng nên quan tâm đến chất lượng DN chứ không nên đặt chỉ tiêu số lượng DN, việc đặt ra phải có 5-10 thương hiệu Việt nổi tiếng trên thị trường quốc tế cũng cần xem lại. Vì vậy, đặt chất lượng DN sẽ phù hợp cho mục tiêu hơn. |