Máy bay đậu tại sân bay Nội Bài thời điểm giãn cách xã hội. Hiện các chuyến bay nội địa đã được mở lại dần và chuẩn bị mở lại bay quốc tế - Ảnh: T.P
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, về việc áp dụng "hộ chiếu vắc xin" và các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Về việc công nhận Giấy chứng nhận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 (hộ chiếu vắc xin), Phó thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác, đẩy nhanh việc công nhận "hộ chiếu vắc xin".
Đồng thời giao Bộ Y tế chủ trì ban hành thống nhất mẫu "hộ chiếu vắc xin" của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5-11.
Nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước an toàn cao
Sau 1 năm 7 tháng, hàng không Việt Nam ngưng các chuyến bay quốc tế thông thường (từ tháng 3-2020), Việt Nam chuẩn bị nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế.
Trong thông báo kể trên, Phó thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế trước ngày 5-11.
Người dân điền thông tin để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hoãn ban hành hướng dẫn về giá xét nghiệm COVID-19 mới
Bộ Y tế đã công bố dự thảo về giá xét nghiệm mới từ cuối tháng 9, dự kiến áp dụng từ ngày mai 1-11.
Mức giá này sẽ khiến dịch vụ xét nghiệm giảm giá ít nhất từ 20% so với hiện hành. Trong cuộc họp gần đây của Phó thủ tướng Lê Minh Khái với các bộ ngành liên quan, các bộ, ngành cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn mới về giá xét nghiệm.
Tuy nhiên theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ Y tế vẫn đang phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo và xin ý kiến của các bộ ngành liên quan để đưa ra mức giá phù hợp. Trước khi ban hành, bộ sẽ thông tin tới người dân.
Như vậy quy định về giá xét nghiệm mới sẽ hoãn ban hành, không phải áp dụng từ 1-11 như dự thảo trước đây.
F0 điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6, TP. Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thế giới có 246 triệu người mắc COVID-19, hơn 223 triệu người được chữa khỏi
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 246.477.169 ca COVID-19, trong đó có 4.999.803 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 223.308.115 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 763.784 ca tử vong trong tổng số 46.685.145 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 457.246 ca tử vong trong số 34.248.719 ca. Brazil đứng thứ 3 với 607.125 ca tử vong trong số 21.781.436 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 350 người và CH Bắc Macedonia với 341 người/100.000 dân.
Nhân viên y tế tại thành phố Volzhsky, Nga, di chuyển một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,8 triệu ca COVID-19. Châu Âu có hơn 73 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 79,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 56 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 218.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.600 người.
Nhiều nước châu Á mở cửa bất chấp còn dịch
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 447 ca COVID-19; trong đó có tới 432 ca cộng đồng, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 38.728 ca. Tổng số ca tử vong từ đầu đại dịch là 61 ca.
Campuchia tính đến ngày 27-10, đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin cho 13,68 triệu người, tương đương 85,5% dân số cả nước, trong đó 13 triệu người đã được tiêm chủng đủ 2 liều. Khoảng 1,76 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Myanmar thông báo sẽ mở cửa trở lại các trường học trên cả nước vào tháng 11 tới dựa trên tỷ lệ số ca nhiễm mới tính trên 100.000 người trong vòng 14 ngày qua. Từ ngày 12-10, quốc gia Đông Nam Á này đã triển khai tiêm vắc xin cho học sinh trung học từ 12 tuổi trở lên.
Mọi người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một bệnh viện tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Hàn Quốc đã công bố học sinh tất cả các cấp (trừ đại học) trở lại trường học từ ngày 22-11 sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học 2021-2022. Các trường đại học sẽ được phép dần dần nối lại các lớp học trực tiếp bắt đầu từ ngày 1-11 tới.
Nhật Bản vừa quyết định nới lỏng hạn chế về tổ chức các sự kiện thể thao, giải trí đông người khi ca mắc mới COVID-19 ở nước này tiếp tục giảm. Khả năng các quy định về ứng dụng giấy chứng nhận vắc xin sẽ được Nhật Bản ban hành từ giữa tháng 11 và có thể áp dụng ngay cả trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại.
Tại châu Âu, Anh thông báo hủy bỏ lệnh cấm người nước ngoài đến nước này và sẽ bổ sung hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ vào danh sách được công nhận chứng nhận tiêm chủng.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Queensland (Úc) đang phát triển miếng dán vắc xin COVID-19 - Ảnh: AFP
Nga có thể có gấp đôi ca COVID-19 và gấp đôi số người tử vong đã thống kê
Cơ quan Thống kê nhà nước của Nga (Rosstat) ngày 29/10 thông báo ít nhất 44.265 người đã tử vong trong tháng 9 tại Nga do dịch COVID-19 và những nguyên nhân liên quan, cao gần gấp đôi con số 24.031 do chính phủ chính thức công bố.
Cũng theo Rosstat, con số trên nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 ở Nga lên gần 450.000 người, cao nhất châu Âu. Trong khi đó, con số thống kê tương tự của Chính phủ Nga là 236.220 ca.
Ở châu Mỹ, Argentina cho biết nước này sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới đối với du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, sau khi chương trình tiêm vắc xin COVID-19 đạt tiến bộ. Từ ngày 1-11, Argentina sẽ mở cửa biên giới nhưng vẫn áp đặt một số quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại châu Phi có thể gặp trở ngại do thiếu ống tiêm, khi châu lục này được tiếp cận với nguồn cung vắc xin dồi dào hơn vào năm 2022.
Nam Phi đã cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin COVID-19 dạng viên do công ty dược phẩm Oramed của Israel bào chế.
TTO - Ngày 29-10, Công ty dược phẩm Oramed của Israel cho biết Nam Phi đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vắc xin ngừa COVID-19 dạng viên uống của công ty này, theo Hãng tin AFP.