vĐồng tin tức tài chính 365

Kế toán trưởng 6 lần vòi nhà thầu tiền 'bôi trơn'

2021-10-31 03:55

"Năm 2014, khi tôi về làm thủ quỹ, công ty đang thua lỗ, hơn 1.900 nhân viên không việc làm, áp lực nặng nề khiến hết sức đau lòng. Trăn trở ngày đêm, tôi chỉ nghĩ cách kiếm tiền về cho anh em", bị cáo Lê Văn Sinh, 41 tuổi, cựu kế toán trưởng Công ty Cổ phần Sông Đà 6, mở đầu phần lời nói sau cùng kéo dài 11 phút, cuối phiên toà ngày 25/10.

Trước bục xét xử còn có cựu thủ quỹ Phạm Thuý Hà và cựu kế toán Nguyễn Văn Quang, hai thuộc cấp được Sinh nhìn nhận là "những nhân viên tốt nhất" mình từng có. Cả ba bị TAND Hà Nội xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cách "mang tiền về cho công ty" được ông Sinh "mở ra" từ tháng 3/2014, khi nhận chức Kế toán trưởng tại doanh nghiệp có 65% vốn nhà nước, thuộc Tổng công ty Sông Đà.

Nhiệm vụ của ông được quy định tại điều lệ công ty, trong đó có tổ chức thực hiện công tác kế toán của công ty, "giám sát tài chính công ty theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật" về công việc. Nhưng theo tòa, ông Sinh đã quên mất vế thứ hai.

Từ phải qua: bị cáo Sinh, Hà và Quang tại phiên xét xử ngày 25/10.Ảnh: Danh Lam

Từ phải qua: bị cáo Sinh, Hà và Quang tại phiên xét xử ngày 25/10. Ảnh: Danh Lam

Tháng 7/2010, Tập đoàn điện lực Việt Nam ký hợp đồng xây dựng dự án thủ điện Huội Quảng, tại Mường La, Sơn La với Tổng công ty Sông Đà. Nhận nhiệm vụ từ công ty mẹ, Công ty Sông Đà 6 thi công một số hạng mục với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong quá trình hoàn thiện công trình, Sông Đà 6 ký 5 hợp đồng các hạng mục sơn Epoxy với nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Nam Tín, do ông Bùi Ngọc Sơn làm giám đốc. Tổng giá trị các hợp đồng 19,6 tỷ đồng.

Cáo trạng của VKSND Hà Nội xác định, lúc này, tình hình tài chính của Công ty Cổ phần Sông Đà 6 gặp khó khăn, quỹ sử dụng đối ngoại, tiếp khách không đủ. Ông Sinh nảy sinh ý định thu 30- 40% trên số tiền được tạm ứng, thanh toán của Công ty Nam Tín, đồng thời đe doạ "nộp tiền sẽ được thanh toán nhanh, nếu không sẽ gây khó khăn khi nghiệm thu và việc thanh toán sẽ bị chậm".

Ông Sơn ban đầu không đồng ý do số tiền yêu cầu nộp lại quá nhiều. Và kết quả, sau 3 lần gặp, tiền tạm ứng và thanh toán hợp đồng cho công ty của ông Sơn không được kế toán trưởng Sinh duyệt.

Công ty Nam Tín lúc này đã tập kết hết vật liệu, máy móc và đang thi công dang dở, nếu không thi công nữa sẽ bị chậm tiến độ và phạt theo hợp đồng. Ông Sơn thuận theo yêu cầu của ông Sinh.

Ông Sinh lên mạng tìm bảng giá nhân công, vật liệu rồi tự áp vào khối lượng công việc tại 5 hợp đồng Sông Đà 6 ký với Nam Tín. Theo chỉ đạo của Sinh, kế toán Quang lập bảng tính toán chênh lệch, tạm tính lãi để lấy cơ sở buộc ông Sơn trích lại tiền.

Cơ quan công tố cáo buộc, trong thời gian 27/5/2016- 17/11/2017, bị cáo Sinh 6 lần yêu cầu ông Sơn nộp tiền "bôi trơn", lần ít nhất 275 triệu đồng, nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng, tổng 5,43 tỷ đồng.

Các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền mặt. Ông Sơn không trực tiếp mang tiền tới mà nhờ vợ và một nữ nhân viên khác đưa tại trụ sở công ty Sông Đà 6. Tại đây, Sinh cũng không trực tiếp ra mặt mà cử kế toán Hà tiếp nhận và ký xác nhận.

Toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính không được nộp vào quỹ tiền mặt của Công ty Sông Đà 6 mà theo lời khai tại phiên toà, bị cáo Sinh yêu cầu Hà lập sổ ngoài để theo dõi chi tiêu số tiền này. Mỗi lần cần tiền, kế toán trưởng Sinh đọc nội dung chi tiền để Hà ghi chép, theo dõi và trực tiếp xuất tiền.

Khai tại phiên tòa, bị cáo Sinh ba lần thề "dùng tiền vào việc chung của công ty, tuỵệt đối không xâm phạm một đồng". "Bối cảnh tài chính của công ty khi đó rất khó khăn, tiếp khách, ma chay, hội họp cũng không có tiền, vô cùng cực khổ", bị cáo trình bày.

Chủ toạ chất vấn: "Tổng giá trị cả 5 hợp đồng mới có 19,6 tỷ nhưng bị cáo đã yêu cầu nhà thầu nộp lại những 5,43 tỷ đồng thì làm sao doanh nghiệp kinh doanh được, tồn tại được. Họ cũng khó khăn như công ty bị cáo vậy, đúng không?". Ông Sinh gật đầu, im lặng.

Trong khi đó bị cáo Hà và Quang đều thừa nhận "không thể làm trái ý cấp trên", "anh Sinh bảo gì làm nấy". Họ không biết, không quan tâm số tiền đến từ đâu và được dùng ra sao. Lời khai này nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở: "Các bị cáo đều có đào tạo và hiểu luật kế toán, sao có thể nói cầm một núi tiền trong tay mà không biết và không quan tâm được?".

Hai quyển sổ quỹ ngoài do Hà lập được tịch thu tang chứng và xuất hiện tại phiên toà. Nội dung ghi chép và lời khai của nữ bị cáo cho thấy, các mục chi tiêu này không được chốt hằng tháng, cũng không được thể hiện trong bất cứ báo cáo tài chính nào của Sông Đà 6.

Đại diện công ty cho biết không chỉ đạo, cũng không được Sinh báo cáo gì về việc thu lại của nhà thầu Nam Tín 30-40% giá trị hợp đồng. "Mỗi người trong công ty có chức năng riêng, ông Sinh cũng là nhân viên nhiều kinh nghiệm, luôn được tin tưởng", vị đại diện khẳng định.

Cựu tổng giám đốc và Tổng giám đốc đương nhiệm của Công ty Sông Đà 6 cũng được cơ quan điều tra kết luận không liên quan hành vi phạm pháp của ba nhân viên này.

Bị hại Sơn không có mặt tại toà song tháng 8/2019, công ty của ông đã được gia đình bị cáo Sinh trả lại toàn bộ 5,43 tỷ đồng.

Tại toà, vợ ông Sinh yêu cầu Công ty Sông Đà 6 có trách nhiệm "san sẻ" khoản bồi thường thiệt hại này với gia đình bà. Theo bà, số tiền chiếm đoạt đều dùng chi lại cho hoạt động đối nội, đối ngoại của công ty.

TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Sinh bị phạt 3 năm tù; hai người còn lại cùng lĩnh 30 tháng tù. "Xin lỗi anh chị, chỉ vì làm theo lệnh tôi mà vướng vòng lao lý. Xin toà giơ cao đánh khẽ cho họ", ông Sinh cúi gằm mặt, quay sang hai thuộc cấp trước khi bước lên ba xe, trở lại trại giam.

Công trình thuỷ điện Huội Quảng xây dựng trên sông Nậm Mu, huyện Mường La, Sơn La và huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: EVN

Công trình thuỷ điện Huội Quảng xây dựng trên sông Nậm Mu, huyện Mường La, Sơn La và huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: EVN

Dự án nhà máy thủy điện Huội Quảng hoàn thành đúng tiến độ, ngày 18/11/2016, được Kiểm toán Nhà nước kết luận đúng quy định thủ tục đầu tư, xây dựng, thẩm định, thiết kế, đảm bảo tính kinh tế, hiệu quả. Công trình đạt sản lượng điện hàng năm 1.904 triệu KWh, là một trong những công trình lớn thuộc quy hoạch bậc thang thuỷ điện trên hệ thống sông Đà.

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.3748734-nort-iob-neit-uaht-ahn-iov-nal-6-gnourt-naot-ek/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kế toán trưởng 6 lần vòi nhà thầu tiền 'bôi trơn'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools