Cú “xảy chân” của gã khổng lồ
Các biện pháp siết chặt quản lý của nhà chức trách Trung Quốc cùng rủi ro pháp lý với ngành công nghệ và triển vọng tăng trưởng mờ nhạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp từng một thời thống trị bảng xếp hạng vốn hóa lớn nhất của Trung Quốc. Tencent không phải ngoại lệ. Cổ phiếu gã khổng lồ Internet này đã giảm 64% kể từ năm 2021 tới nay, thổi bay 623 tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa.
Tính tới thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9, giá trị vốn hóa của Tencent đã thấp hơn nhà sản xuất rượu Mao Đài của Trung Quốc tới 5,4 tỷ USD. Trong khi đó, chỉ đầu năm 2021, Tencent đang trên đà hướng tới trở thành doanh nghiệp tỷ USD thứ 2 ở châu Á.
Những gì xảy ra với Tencent cho thấy rủi ro khổng lồ mà các gã khổng lồ Internet phải đối mặt, nhất là khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là trở ngại lớn nhất của sự phục hồi.
Kenny Wen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại KGI Asia Ltd., cho biết: “Không có thông tin tích cực nào với Tencent trong phần còn lại của năm. Doanh thu của họ sẽ tiếp tục chịu áp lực từ môi trường vĩ mô yếu kém. Và ngay cả khi điều kiện vĩ mô ở Trung Quốc được cải thiện, thế giới vẫn đang trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ và khó có thể trở lại như trước khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách.
Sự nổi lên của “tân vương”
Trong khi đó, rượu Mao Đài đang ngày càng chứng tỏ mình là thứ đồ uống xa xỉ, luôn xuất hiện trên bàn tiệc trong những bữa tiệc chiêu đãi hoặc dịp đặc biệt khác. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cam kết hỗ trợ các lĩnh vực có tác động trực tiếp tới người tiêu dùng.
Việc Mao Đài, một doanh nghiệp thuần sản xuất, vượt mặt gã khổng lồ công nghệ để trở thành doanh nghiệp giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc khiến nhiều người bất ngờ. Đã từ lâu, công nghệ mới là lĩnh vực của tương lai chứ không phải một ngành sản xuất đơn thuần.
Trái ngược với Tencent khó khăn đủ đường, Mao Đài thuận lợi trên tất cả các mặt. Công ty đang trên đà đạt được các mục tiêu tăng trưởng doanh số họ đặt ra năm 2022 và sẽ là cái tên hưởng lợi lớn khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế do Covid-19. Ngoài ra, mức giảm của Mao Đài trong năm 2022 chỉ là 8,7% trong khi Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm tới 14%.
Ở chiều ngược lại, dù đã giảm tới gần 65% nhưng các nhà đầu tư vẫn còn những bất đồng về triển vọng với Tencent. Jian Shi Cortesi, giám đốc đầu tư tại GAM Investment Management, cho rằng cổ phiếu Tencent được định giá quá rẻ khi mà rủi ro chính sách đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác không đồng tình với quan điểm này.
“Khi một ngành cần phải dựa vào cắt giảm chi phí để duy trì tỷ suất lợi nhuận, điều đó có nghĩa là họ đã ở bên kia ngọn đồi của danh vọng. Tencent chính là ví dụ điển hình. Chẳng có lĩnh vực nào của gã khổng lồ Internet này có thể trở thành động lực doanh thu của họ. Tôi không nghĩ sẽ mua ngay cả khi nhìn nó có vẻ rẻ”, Sun Jianbo, chủ tịch China Vision Capital, cho biết.
Bối cảnh chung về ngành công nghệ toàn cầu
Và nỗi buồn không của riêng Tencent. Vốn hóa tập đoàn dầu khí Exxon Mobil Corp đã lần đầu tiên vượt Meta Platforms Inc., công ty mẹ của Facebook, kể từ năm 2017. Cơn sốt năng lượng khiến Exxon và các gã khổng lồ cùng ngành khác bùng nổ trong năm 2022 còn lạm phát tăng vọt cùng việc FED nâng lãi suất góp phần vùi dập các doanh nghiệp công nghệ.
Trước những biến cố liên tiếp, CEO Mark Zuckerberg của Meta cũng đã vạch một kế hoạch cải tổ sâu, rộng để tái cấu trúc gã khổng lồ mạng xã hội. Lần đầu tiên, công ty mẹ của Facebook tính đến việc giảm nhân viên. Nó giống như một sự kết thúc đối với kỷ nguyên phát triển nhanh chóng của gã khổng lồ mạng xã hội.
Ngoài những cái tên đã nêu, Apple Inc. là câu chuyện thu hút sự chú ý. Táo khuyết đã quyết định giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng việc sản xuất một số mẫu iPhone 14 ở Ấn Độ. Nhà cung ứng lớn nhất của Apple là Foxconn gần đây đã đồng ý mở rộng cơ sở sản xuất 300 triệu USD của họ ở Việt Nam.
Micron Technology Inc., nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, đang cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng nhu cầu lao dốc, dấu hiệu mới nhất cho thấy thời kỳ bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Bên cạnh đó Kioxia, một cái tên lớn khác trong ngành công nghiệp bán dẫn, cũng đã có quyết định tương tự.
Trong khi đó, SoftBank đã bán toàn bộ cổ phần của mình trong Sinch AB sau khi cổ phiếu nhà cung cấp dịch vụ nền tảng đám mây của Thụy Điển giảm hơn 90%. Bản thân SoftBank cũng có những kết quả rất tệ với những khoản lỗ kỷ lục. Gần đây nhất, trong tháng 8, kết quả kinh doanh quý 2 của tập đoàn này giảm tới 23 tỷ USD, điều khiến chính tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son cũng cảm thấy bi quan.
Tham khảo: Bloomberg