vĐồng tin tức tài chính 365

Các sự kiện thể thao có thực sự "hốt bạc"?

2022-10-01 12:37

Quy mô của ngành công nghiệp F1

Tại Singapore, người dân đảo quốc sư tử đang chuẩn bị đón chờ giải đua xe F1 Grand Prix - sự kiện thể thao lớn của Đông Nam Á sau 2 năm ngủ đông vì đại dịch COVID-19. Đây được kỳ vọng là sự kiện thể thao tạo cú hích cho ngành du lịch, bán lẻ và tiêu dùng của Singapore.

Giống như rất nhiều môn thể thao khác, F1 được coi là một ngành công nghiệp thực sự với quy mô lên tới 4 tỷ USD. Mỗi mùa giải lại có hơn 500 triệu người theo dõi trên toàn cầu.

Nếu trong bóng đá có các ông chủ câu lạc bộ giàu có thì F1 cũng không thua kém gì. Thậm chí, F1 còn được gọi là câu lạc bộ của những tỷ phú, trong đó có thể kể đến vài cái tên như tỷ phú như Carlos Slim hay Sir James Ratcliffe.

Dù là đua xe công thức 1 hay bóng đá hay tennis hay thế vận hội Olympics thì những sự kiện thể thao đều được kì vọng sẽ hái ra tiền cho nhà tổ chức.

Bài toán kinh tế Olympics

Khi nói tới bài toán kinh tế của việc đăng cai các sự kiện thể thao có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, những gì nhận lại thường không tương xứng với những gì bỏ ra. Ví dụ về Olympic Tokyo này, Olympic Sochi ở Nga, hoặc xa hơn nữa là Olympics Athens- Hy Lạp… doanh thu mang về đều không được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, đầu tiên phải phân loại các sự kiện thể thao này. Ví dụ đầu tư cho một giải đua F1 chắc chắn là không tốn kém bằng và cũng không phức tạp bằng cả một kỳ thế vận hội Olympics. Trong khi đó F1 là môn thể thao có sức hút lớn bán được vé nên Singapore có thể kỳ vọng vào một mùa giải thành công về doanh thu.

Còn Thế Vận Hội Olympics là một sự kiện với quy mô lớn hơn rất nhiều, kéo dài cả tháng, với quá nhiều bộ môn. Trong đó không phải môn nào cũng bán được nhiều vé. Nhưng đặt bài toán kinh tế ra một bên thì những kỳ Olympics là cơ hội để nước chủ nhà tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, bộ mặt của một vùng có thể ngay lập tức thay đổi.

Câu chuyện về một ngôi làng tuyết phủ được chọn làm địa điểm đăng cai Olympic mùa Đông tại Trung Quốc hồi tháng 2 đầu năm nay là một ví dụ.

Những ngày tháng 2 năm nay thật khó quên đối với anh Zhao Xu. Anh đã được bổ nhiệm làm trưởng trạm cáp treo ở khu trượt tuyết Genting, Trương Gia Khẩu - một trong 2 địa phương tổ chức Olympic mùa Đông 2022. Anh Xu và các đồng nghiệp đã chuẩn bị rất lâu cho sự kiện này.

"Ngôi làng nơi tôi sống nằm bên kia dãy núi. Người dân trong làng trước đây chủ yếu sống bằng việc trồng trọt, làm nông", anh Zhao Xu cho hay.

Kể từ khi Trương Gia Khẩu cùng với Bắc Kinh được quyền đăng cai Olympic, các hạ tầng cơ sở mới được đầu tư xây dựng nơi đây đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới. Một bộ phận dân cư đã được di dời để phục vụ cho Olympic, trong đó có gia đình anh Xu. Họ được cấp cho một căn hộ và đã mua thêm một cái ô tô.

Các sự kiện thể thao có thực sự hốt bạc? - Ảnh 1.

Những kỳ Olympics là cơ hội để nước chủ nhà tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, bộ mặt của một vùng có thể ngay lập tức thay đổi.

Với mỗi nước chủ nhà, lo lắng lớn nhất là liệu sau khi các vận động viên rời đi thì những cơ sở vật chất mới tinh kia còn để làm gì?

Sau khi Olympic kết thúc, chính quyền kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết thu hút khách, biến điều kiện thời tiết khắc nghiệt thành một lợi thế. Cụ thể là Trung Quốc mong muốn thu về 300 tỷ Nhân dân tệ từ hoạt động du lịch trượt tuyết trong những năm tới.

Còn về Bắc Kinh, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2021 đã vượt mốc 4.000 tỷ Nhân dân tệ, tăng trưởng 8,5% so với năm trước đó. Trước khi Trung Quốc đăng cai Olympic mùa Đông 2022, chính phủ đã triển khai kế hoạch giải ngân 8,4 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đưa du khách từ Bắc Kinh đến Nội Mông với tốc độ gần 350 km/giờ.

Diễn ra vào đúng thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành, Bắc Kinh đã tích cực xây dựng hình ảnh như một cường quốc về công nghệ robot góp phần giúp các vận động viên giữ khoảng cách an toàn.

Cuối cùng, theo số liệu từ trang GlobalTimes, kỳ Olympic mùa Đông 2022 thực ra đã hoà vốn, thậm chí còn mang lại một chút lợi nhuận dù ít ỏi, do Bắc Kinh đã tổ chức rất tiết kiệm, không vung tiền. Những cơ sở hạ tầng mới còn phát huy tác dụng trong nhiều năm tới.

Trung Đông đầu tư cho các sự kiện thể thao

Ngoài châu Á, khu vực Trung Đông cũng đang trở thành điểm nóng của các giải đấu. Ví dụ như cuối năm nay có sự kiện World Cup diễn ra tại Qatar.

Việc tổ chức các giải thi đấu thể thao đã trở thành một trào lưu mới trong khu vực Trung Đông những năm gần đây. Theo nghiên cứu của công ty kiểm toán PwC, ngành công nghiệp này có nhiều tiềm năng tăng trưởng 8,7% trong vòng 3 - 5 năm tới.

Các sự kiện thể thao có thực sự hốt bạc? - Ảnh 2.

Ngoài châu Á, khu vực Trung Đông cũng đang trở thành điểm nóng của các giải đấu.

Trung Đông là nơi diễn ra các cuộc đua Công thức 1 ở Saudi Arabia, Bahrain, các giải đấu quần vợt tại Dubai, cho đến các sự kiện golf quốc tế ở Abu Dhabi… Và sắp tới đây, tháng 11, Qatar sẽ trở thành quốc gia Arab đầu tiên tổ chức vòng chung kết bóng đá thế giới FIFA World Cup 2022.

Ước tính sự kiện này sẽ thu hút 1 triệu du khách đến với Qatar, giúp nước này đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong các lĩnh vực đa dạng như du lịch và lữ hành, khách sạn và cơ sở hạ tầng mang về lợi nhuận lên tới 17 tỷ USD cho nền kinh tế Qatar, giúp quốc gia đi đúng hướng mục tiêu "Tầm nhìn quốc gia 2030".

Công xưởng Trung Quốc bận rộn trước mùa World Cup 2022

Lợi ích cho nước chủ nhà chắc chắn nhưng với chuỗi cung ứng toàn cầu kết nối chặt chẽ như hiện nay chẳng có bữa tiệc nào là của riêng quốc gia nào. World Cup có thể diễn ra ở Qatar nhưng những người công nhân ở các khu xưởng tận Trung Quốc cũng vô cùng bận rộn.

Tại Khu chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô - chợ bán buôn hàng hóa lớn nhất thế giới, không khí World Cup đang tràn ngập khắp khu vực bán đồ thể thao. Nhiều loại sản phẩm liên quan đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, bao gồm đồ lưu niệm, bóng đá, áo đấu, cờ và đồ chơi… đã nhận được lượng đơn đặt hàng lớn.

"Đơn hàng năm nay của chúng tôi tăng đến 40%. Các sản phẩm cờ được đặt hàng chủ yếu từ Panama, Argentina và Mỹ, đã tăng mạnh kể từ tháng 6", bà Tong Guijuan - chủ cửa hàng, chợ quốc tế Nghĩa Ô cho hay.

Các sự kiện thể thao có thực sự hốt bạc? - Ảnh 3.

Công xưởng Trung Quốc bận rộn trước mùa World Cup 2022.

Trong 8 tháng đầu năm, Nghĩa Ô đã xuất khẩu lượng đồ thể thao trị giá hơn 530 triệu USD. Số đơn hàng tăng nhanh đã khiến nhiều doanh nghiệp phải yêu cầu người lao động tăng ca để đáp ứng tiến độ.

Ông Jiang Jielun - Đại diện doanh nghiệp sản xuất đồ chơi cho biết: "Trước đây, chúng tôi có bốn công nhân trong một dây chuyền lắp ráp. Bây giờ, chúng tôi cần 6 người. Trước đây mỗi ca là 10 tiếng, giờ thường là 13 tiếng. Nếu không làm thêm giờ, chúng tôi sẽ không thể giao hàng đúng thời hạn".

Các công ty hậu cần ở thành phố Nghĩa Ô đang phải chịu áp lực rất lớn do việc vận chuyển đường biển từ Chiết Giang đến Trung Đông mất khoảng 1 tháng và mọi đơn hàng liên quan đến World Cup cần được vận chuyển xong trước đầu tháng 10 tới. Hiện chính quyền thành phố đã mở một tuyến đường đặc biệt, giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.26652110110012202-cab-toh-us-cuht-oc-oaht-eht-neik-us-cac/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các sự kiện thể thao có thực sự "hốt bạc"?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools