vĐồng tin tức tài chính 365

Cổ phiếu hôm nay 1-10: Sáng xanh - chiều đỏ, đổ lỗi cho giao dịch T+2

2022-10-01 15:07

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 30-9, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.132,11 điểm, tăng 6,04 điểm so với phiên trước. Thanh khoản trên sàn giao dịch HoSE cải thiện đáng kể khi tăng lên hơn 17.135 tỉ đồng. Dù vậy, thị trường vẫn đóng cửa tháng 9-2022 với mức giảm hơn 11,5% so với tháng trước và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021 đến nay. Nhiều cổ phiếu hôm nay giảm sâu khiến nhà đầu tư thua lỗ.

Đặc biệt, trong tháng 9, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tháng 8 và tình trạng thị trường sáng xanh - chiều đỏ diễn ra ngày càng phổ biến khiến các nhà đầu tư hết sức lo ngại. Điều này trái ngược hẳn với kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ khởi sắc hơn khi chu kỳ thanh toán T+2 hay T+1,5 (nhà đầu tư được bán chứng khoán vào chiều ngày thứ 2 sau khi mua thay vì đợi sáng ngày thứ 3 như trước) được áp dụng từ 29-8.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, thua lỗ nặng, nhiều người đổ lỗi rằng chính chu kỳ giao dịch T+2 đã góp phần khiến thị trường lao dốc nhanh hơn trong tháng 9. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán đều không đồng tình với quan điểm này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, nói: Tôi cho rằng chuyển sang giao dịch T+2 không phải là yếu tố chính quyết định thanh khoản thị trường tăng lên mà chỉ là một phần kỹ thuật để hỗ trợ cho thị trường.

Cổ phiếu hôm nay 1-10: Thị trường sáng xanh - chiều đỏ, nhà đầu tư đổ lỗi cho giao dịch T+2 - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Thế Minh

Có điều, đúng là từ khi áp dụng chu kỳ giao dịch T+2 mới có tình trạng này (sáng xanh, chiều đỏ - PV) xảy ra. Bởi, trước đó nhà đầu tư phải chờ đến sáng của ngày T+3 mới được bán cổ phiếu, thì nay phiên chiều của ngày T+2 đã được giao dịch. Kết quả, nhiều phiên gần đây buổi sáng chỉ số VN-Index tăng cao nhưng thanh khoản của thị trường rất thấp - không phản ánh đúng bản chất. Đến chiều, thanh khoản tăng lên gấp đôi, gấp ba đồng thời chỉ số lại quay đầu giảm mạnh, thậm chí bị bán tháo cuối phiên.

Chỉ cần vài phiên như vậy là tâm lý của nhà đầu tư sẽ chờ, không hành động trong buổi sáng mà theo dõi diễn biến đến chiều mới giao dịch.

- Vì sao lại có tình trạng này?

Như tôi đã nói, tâm lý của nhà đầu tư giai đoạn này là phân vân, lưỡng lự nên thường quyết định mua – bán cổ phiếu trong phiên chiều, đặc biệt trong khoảng sau 2 giờ chiều. Tâm lý này có hệ lụy là nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội mua cổ phiếu hoặc đến phiên chiều thấy lực bán ra mạnh, nghĩ thị trường sẽ giảm thêm nên cùng đồng loạt bán tháo ở thế bị động.

Cổ phiếu hôm nay 1-10: Thị trường sáng xanh - chiều đỏ, nhà đầu tư đổ lỗi cho giao dịch T+2 - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu hôm nay giảm giá mạnh sau đợt sụt giảm của thị trường trong tháng 9. Ảnh: Lam Giang

Tâm lý này không mới, còn nhớ giai đoạn mới bắt đầu triển khai chứng khoán phái sinh năm 2018-2019 khi thị trường biến động trong vùng hẹp một thời gian rất lâu. Chứng khoán phái sinh lúc đó là chỉ báo của thị trường, nhà đầu tư chỉ nhìn giao dịch phái sinh để có hành động trên thị trường cơ sở, thay vì ngược lại.

Theo tôi, khi thị trường đang trong xu hướng đi xuống, tâm lý nhà đầu tư yếu, chán nản nên họ thường đi tìm các lý do để giải thích. Vì vậy, giao dịch T+2 là một lý do nhưng không phải tất cả nguyên nhân.

- Vậy theo ông, những yếu tố nào khiến chỉ số VN-Index "bốc hơi" hơn 11,5% trong tháng 9?

Đáy của thị trường hiện tại đang thấp hơn cả vùng 1.140 điểm được thiết lập hồi đầu tháng 7 nên nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng bị bán giải chấp, call margin (lệnh gọi ký quỹ) càng khiến thị trường giảm sâu hơn. Nói dễ hiểu là lúc này tâm lý của nhà đầu tư rất mong manh nên khi thị trường giảm sâu hơn mức đáy cũ càng tạo sự hoảng loạn và bán bất chấp giá nào.

Giai đoạn các công ty chứng khoán call margin thường xảy ra trong phiên chiều, cộng thêm việc force sell (công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư để thu hồi vốn vay) càng tạo áp lực giảm. Call margin và force sell thường diễn ra vào cuối phiên sáng hoặc phiên chiều nên cũng góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư thêm lo lắng, bán tháo cuối phiên.

- Vậy theo ông, nhà đầu tư nên ứng xử với giao dịch T+2 như thế nào, làm sao tránh hành động theo tâm lý đám đông?

Cơ bản giao dịch T+2 chỉ giải quyết về mặt thời gian, liên quan kỹ thuật nhiều hơn chứ không giúp giải quyết thanh khoản thị trường tăng lên. Tôi nghĩ sau một thời gian, nhà đầu tư sẽ quen và có sự điều chỉnh phù hợp với giao dịch T+2, như câu chuyện của chứng khoán phái sinh trước đây. Bởi yếu tố quan trọng nhất lúc này là thị trường đang yếu, đang trong xu hướng giảm nên nhà đầu tư đi tìm lý do. Quan trọng nhất là nhà đầu tư cần tránh mua bán, giao dịch theo tâm lý đám đông, theo cảm tính mà không có chiến lược, phương pháp đầu tư rõ ràng.

Ở thời điểm hiện tại, theo tôi nhà đầu tư nên ngừng bán tháo cổ phiếu. Với những nhà đầu tư đang dùng vốn vay (margin) thì nên đưa tài khoản margin về 0 để bảo đảm an toàn, còn với những người mua cổ phiếu không dùng vốn vay thì giữ lại, chờ thị trường cân bằng rồi có ứng xử phù hợp.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm: mth.71472924110012202-2t-hcid-oaig-ohc-iol-od-od-ueihc-hnax-gnas-01-1-yan-moh-ueihp-oc/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cổ phiếu hôm nay 1-10: Sáng xanh - chiều đỏ, đổ lỗi cho giao dịch T+2”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools