Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kim chi hiện tại, chính phủ Hàn Quốc vừa vạch ra kế hoạch xây dựng 2 siêu kho dự trữ cải thảo có diện tích rộng gấp 3 lần sân vận động bóng đá. Dự án trị giá 58 tỷ won (khoảng 35 tỷ USD) này dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Theo Reuters, 2 cơ sở sẽ được xây dựng tại 2 huyện Goesan và Haenam, với diện tích mỗi kho rộng 9.900 m2. Ngoài ra, các kho có sức chứa 10.000 tấn cải thảo và có thể sản xuất 50 tấn cải muối mỗi ngày.
Các nhà sản xuất kim chi Hàn Quốc kỳ vọng kế hoạch mới của chính phủ ít nhất sẽ ngăn việc doanh nghiệp nội địa mất thêm vị thế. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc cũng mong 2 kho dự trữ sẽ “góp phần to lớn vào việc củng cố vị thế của kim chi nội địa trên toàn cầu”.
Lim Jeung-guen, phó Giám đốc bộ phận xúc tiến công nghiệp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc tuyên bố nước này có thể xây dựng thêm nhiều kho dự trữ nữa nếu kế hoạch ban đầu hiệu quả.
Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây khiến phần lớn cải thảo bị hư hỏng. Nguồn cung thâm hụt nghiêm trọng khiến giá cải thảo năm nay tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 3 tháng, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 24 năm ghi nhận hồi tháng 7. Củ cải trắng, nguyên liệu làm kim chi phổ biến khác, cũng tăng giá 146% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 2.800 won/kg.
Chính phủ Hàn Quốc vừa vạch ra kế hoạch xây dựng 2 siêu kho dự trữ cải thảo có diện tích rộng gấp 3 lần sân vận động bóng đá.
Được biết ngành sản xuất kim chi của Hàn Quốc đã trượt dốc trong một thời gian khá dài. Lượng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá bán bằng khoảng 1/3 kim chi sản xuất trong nước, đã tăng mạnh trong hai thập kỷ qua, chiếm 40% thị trường kim chi nội địa. Điều này khiến các doanh nghiệp kim chi trong nước buộc phải đóng cửa hoặc tạm thời chuyển sang sản xuất các sản phẩm khác để tồn tại.
“Chúng tôi thường mua cải thảo vào tháng 6 để tích trữ, song năm nay chẳng có hàng. Trước đây, chúng tôi từng sản xuất 15 tấn kim chi mỗi ngày, giờ chỉ còn 10 tấn hoặc ít hơn. Công ty đã phải tăng giá kim chi gấp 2/3, lên 5.000 won/kg”, Ahn Ik-jin, Giám đốc điều hành công ty sản xuất kim chi Cheongone Organic, cho biết.
Một số nhà sản xuất kim chi lớn, bao gồm Daesang và CheilJedang, cũng đã tăng giá sản phẩm thêm 10-11%, đồng thời dự kiến sẽ còn tăng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Điều này khiến kim chi được gọi với cái tên “geumchi”, tức “đắt như vàng”.
Không những vậy, các nhà hàng bắt đầu phụ thu giá kim chi thay vì cung cấp miễn phí cho thực khách như trước. Một nhà hàng bán gà ở Seoul thu thêm 3.000 won (50.000 đồng) cho một phần nhỏ kim chi do giá một cây cải thảo tăng quá nhiều.
Một số nhà sản xuất kim chi lớn, bao gồm Daesang và CheilJedang, cũng đã tăng giá sản phẩm thêm 10-11%.
Ngoài kim chi, giá một số loại thực phẩm phổ biến khác của Hàn Quốc cũng tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều, chẳng hạn như gà rán. Theo số liệu của chính phủ, giá gà rán ở Hàn Quốc đã tăng trung bình 11,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn khá nhiều so với các mặt hàng ăn uống phổ biến khác như món hầm kim chi hay thịt bò nướng. Theo Jeong Woo Park, một nhà kinh tế Hàn Quốc tại Nomura, “sự chèn ép” mà người tiêu dùng đang cảm nhận có thể sẽ lớn hơn, tùy thuộc vào mức giá mà các nhà hàng hoặc siêu thị đặt ra.
Theo Bloomberg, chỉ số giá tiêu dùng CPI Hàn Quốc vào tháng 8 tăng 5,7% so với một năm trước đó sau khi leo lên mức 6,3% trong tháng 7 - mức cao kỷ lục trong 24 năm. Giá thực phẩm thậm chí còn tăng cao hơn, hơn 8% so với một năm trước đó trong 2 tháng liên tiếp.
Theo: Reuters
Xem thêm: nhc.61384435110012202-oaht-iac-urt-ud-ohk-ueis-2-yax-pas-couq-nah/nv.fefac